Sau 2 năm áp dụng thử nghiệm (2011-2013), thiết bị đa kết nối (SeaGateway) được khẳng định là đã đáp ứng được các nhu cầu sử dụng trên biển của ngư dân như: Gọi điện, nhắn tin SMS, truyền dữ liệu GPRS;
Sau 2 năm áp dụng thử nghiệm (2011-2013), thiết bị đa kết nối (SeaGateway) được khẳng định là đã đáp ứng được các nhu cầu sử dụng trên biển của ngư dân như: Gọi điện, nhắn tin SMS, truyền dữ liệu GPRS; giải pháp truyền dữ liệu định vị toàn câu (GPS) qua GPRS về sever; hệ thống phần mềm phân tích và xử lý dữ liệu của Tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) cũng đáp ứng được yêu cầu của một công cụ quản lý phương tiện trên biển.
Lắp thiết bị truyền tải thông tin cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN
Thông tin trên được đưa ra tại buổi hội thảo về giới thiệu giải pháp thông tin quản lý tàu thuyền đánh cá trên biển sử dụng SeaGateway với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy sản diễn ra sáng nay (18/6). Tại đây, phía VNPT cũng đề xuất ký thỏa thuận hợp tác về xây dựng dự án hệ thống thông tin và quản lý tàu trên biển và Tập đoàn cam kết sẽ phục vụ dịch vụ thông tin cho ngư dân với các gói cước phù hợp.
Phó Tổng Giám đốc VNPT, ông Nghiêm Phú Hoàn cho biết, trong suốt hành trình thử nghiệm trên các tuyến đảo Phú Quốc - đảo Thổ Chu, tuyến Rạch Giá - Kiên Giang - Cà Mau - Sóc Trăng - Trà Vinh - Tiền Giang, hệ thống quản lý trên bờ đã nhận được các dữ liệu tọa độ GPS của tàu thuyền về qua kết nối GPRS. Dữ liệu này đã được sử dụng để vẽ được hành trình của tàu trên bản đồ số.
"Đối với ngư dân làm nghề trên biển, kết nối, trao đổi thông tin liên lạc là vấn đề sống còn. Vì vậy, việc nghiên cứu lắp đặt các thiết bị phủ sóng thông tin di động cũng như xây dựng hệ thống quản lý trên tàu và đất liền là một trong những giải pháp thiết thực phục vụ cho bà con ngư dân, đảm bảo an toàn đồng thời góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia," ông Nghiêm Phú Hoàn nhấn mạnh.
Tại hội thảo, đại diện phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đánh giá cao việc trang bị các thiết bị hỗ trợ cung cấp thông tin cho bà con ngư dân. Dự án này cũng đã đưa ra được những giải pháp tích hợp được những yêu cầu thực tế.
Song phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng yêu cầu VNPT tiếp tục hoàn thiện công nghệ đồng thời kiểm định được yếu tố hiệu quả cho bà con ngư dân và đảm bảo các quy định pháp luật theo tiêu chuẩn thông tin và chính sách bảo mật của Bộ Thông tin truyền thông.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục tham khảo những dự án về thiết bị đa kết nối và sớm lựa chọn giải pháp tối ưu cho các hoạt động quản lý tàu thuyền đánh cá trên biển.
Theo số liệu thống kê, nước ta có khoảng một triệu km2 mặt nước biển, hơn 3.260 km đường bờ biển thuộc 28 tỉnh duyên hải, với khoảng 125.000 tàu thuyền hoạt động.
Kinh tế biển chiếm khoảng 47% GDP (bao gồm khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển). Theo chiến lược đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% GDP Việt Nam.
|
Thanh Tâm
thro Vietnam+