Sự kiện hot
13 năm trước

Siêu thị Nhật tăng tốc vào VN

Đánh vào nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp, nhà đầu tư Nhật không giấu tham vọng đưa hàng hóa sản xuất ở Nhật sang tiêu thụ tại thị trường VN trong bối cảnh thị trường nội địa nước này có dấu hiệu chững lại.

Đánh vào nhiều phân khúc từ bình dân đến cao cấp, nhà đầu tư Nhật không giấu tham vọng đưa hàng hóa sản xuất ở Nhật sang tiêu thụ tại thị trường VN trong bối cảnh thị trường nội địa nước này có dấu hiệu chững lại.

Chọn mua hàng tại cửa hàng đồng giá Daiso (Nhật) ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ Nhật vào VN đã được dự báo từ năm 2009, khi VN cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có thể phân phối hàng hóa tại thị trường trong nước.

Khi đại gia Nhật đến VN

Cuối tháng 2-2012, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Takashimaya hoàn thành việc ký hợp đồng thuê mặt bằng rộng 15.000m2 tại vị trí đắc địa của trung tâm quận 1, TP.HCM. Để chuẩn bị cho sự có mặt chính thức vào năm 2015 tại thị trường VN, hiện tập đoàn này đang tiến hành thành lập văn phòng dự án và làm thủ tục đăng ký mở một công ty tại TP.HCM. Ông Paul Tan, giám đốc truyền thông Takashimaya Singapore, cho biết để chuẩn bị nguồn hàng cho siêu thị tại VN, Takashimaya đã làm việc với nhà cung cấp, đảm bảo nhiều thương hiệu lớn có thể vào VN như dự kiến.

Takashimaya là tập đoàn bán lẻ cao cấp của Nhật, đi kèm với sự xuất hiện của nhà bán lẻ này luôn là những thương hiệu danh giá trên thế giới, nổi tiếng về mức độ đắt đỏ và xa xỉ. Theo ông Paul Tan, trung tâm mua sắm mới sẽ được lấp đầy bởi các thương hiệu hàng đầu thế giới về thời trang, đồ dùng gia dụng, thực phẩm và đồ uống. Trung tâm này cũng có mô hình tương tự trung tâm mua sắm cao cấp đang được vận hành tại Singapore, vốn đang kinh doanh rất tốt và tạo được đẳng cấp mua sắm ngay đại lộ danh tiếng của nước này. Không tiết lộ khoản tiền đầu tư ở thị trường VN nhưng đại diện Takashimaya khẳng định với một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định và được kỳ vọng tiếp tục tăng trong thời gian tới, VN sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho nhu cầu mua sắm cao cấp.

Nhà đầu tư số 1

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch đầu tư) tính đến tháng 2-2012 Nhật Bản dẫn đầu những quốc gia có dự án đăng ký đầu tư tại VN với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,07 tỉ USD, chiếm 87,5% tổng vốn đầu tư vào VN.

Không chọn tầng lớp người dân có thu nhập cao mà hướng tới tầng lớp người dân có thu nhập trung bình để phục vụ bởi không gian thiết kế của siêu thị tổng hợp này thích hợp cho đại gia đình đến vui chơi, sinh hoạt cả ngày, đầu tháng 3-2012 Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật cũng công bố dự án trung tâm mua sắm Aeon-Tân Phú Celadon (Q.Tân Phú, TP.HCM) với mức đầu tư lên đến 109 triệu USD.

Ông Motoya Okada, CEO Tập đoàn Aeon, không giấu tham vọng sẽ làm thay đổi phong cách mua sắm của người Việt bằng phương châm “”cắm rễ và sống với dân địa phương” để hiểu rõ ngọn ngành mọi nhu cầu mua sắm của người dân VN. Việc khởi công xây dựng sẽ được tiến hành vào tháng 9-2012 và dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2014. “90% hàng hóa kinh doanh trong trung tâm mua sắm là hàng nội địa, phần còn lại sẽ là hàng hóa của Nhật Bản và các nước khác được nhập khẩu vào VN. Đồng thời, chúng tôi sẽ lôi kéo thêm nhiều công ty Nhật và VN đi theo cung ứng hàng cho chúng tôi trong quá trình kinh doanh”, ông Nishitohge Yasuo, tổng giám đốc Aeon VN, khẳng định.

Việc hai nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản công bố những dự án khủng tại thị trường VN đầu năm 2012 dường như hâm nóng lại thị trường bán lẻ trong nước. Không còn là những chuỗi cửa hàng đơn lẻ, các nhà bán lẻ Nhật không giấu tham vọng phát triển một cách bài bản tại thị trường VN. Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, đang có sự dịch chuyển rõ ràng từ phía các nhà đầu tư Nhật ở thị trường VN chuyển từ sản xuất nhỏ sang lĩnh vực phân phối. Bằng chứng là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống bán lẻ Family Mart, chỉ sau khoảng hai năm vào VN, hệ thống này đã có 18 cửa hàng. Nét khác biệt của Family Mart VN là kinh doanh 24/24 giờ với 70% chủng loại sản phẩm và dịch vụ khác hẳn các cửa tiệm tạp hóa kiểu truyền thống.

Đón đầu thị trường

Ông Shinichiro Hori, giám đốc điều hành Quỹ Dream Incubator VN (Nhật), cho biết rất nhiều nhà đầu tư Nhật quan tâm đến thị trường VN, dù hiện nay VN vẫn đang sử dụng nhiều biện pháp bảo vệ bán lẻ trong nước. “Dân số trẻ, thu nhập đang được cải thiện, thị hiếu tiêu dùng gần gũi với người Nhật là những điểm khiến thị trường bán lẻ VN hấp dẫn doanh nghiệp Nhật”, ông Shinichiro Hori nói. Hiện nay, một số nhà bán lẻ Nhật chọn con đường hợp tác nhượng quyền cho doanh nghiệp VN, một số đẩy mạnh phân phối bán buôn trong khi chờ đợi thị trường bán lẻ VN cởi mở hơn.

Theo ông Paul Tan, cơ sở đưa Takashimaya đến VN chính là những con số thống kê của Cơ quan Hoàn thuế của Singapore (GST). Theo báo cáo của cơ quan này, trong năm 2011 người dân VN xếp thứ 6 về chi tiêu mua sắm tại Singapore với mức tăng hằng năm khoảng 2,3%. “Có rất nhiều lý do để chúng tôi quyết định đầu tư tại VN, trong đó với dân số trẻ hơn 50% nằm trong ngưỡng 30 tuổi nên VN là thị trường mua sắm của tương lai”, ông Tan nói. Trong khi đó, lợi thế của Aeon là đã có mặt tại VN từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện, bước đầu hoạt động dịch vụ tài chính bằng việc triển khai công ty kinh doanh thẻ tiêu dùng trả góp. Nhấn thêm một bước, Aeon hợp tác với các doanh nghiệp địa phương và thiết lập nên các cửa hàng tiện lợi (CVS) cũng như một số cửa hàng nhượng quyền thương hiệu.

Đại diện Aeon cho rằng thời kỳ hạn chế bán lẻ tại VN dường như đã qua nên các doanh nghiệp đầu tư có vốn nước ngoài ngày một mạnh dạn dấn sâu hơn nữa vào thị trường bán lẻ còn quá nhiều tiềm năng này. Sau khi đưa dự án tại TP.HCM đi vào hoạt động, ông Okada cho hay sẽ tiếp tục “tiến quân” ra miền Bắc và miền Trung vào các năm 2014-2015 để mở tiếp các dự án có quy mô tương tự tại TP.HCM bởi “chúng tôi đến đâu là muốn thay đổi quan niệm mua sắm cho người dân địa phương nơi đó”.

Như Bình - Trần Vũ Nghi
Theo Tuoi tre

Từ khóa: