Trao đổi với PV, đại diện siêu thị Big C cho biết, đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết 2012, đảm bảo cung ứng đủ cho người tiêu dùng, hạn chế thấp nhất tình trạng "cháy hàng". Đại siêu thị này cũng dự tính sẽ tăng trưởng khoảng 25 - 30% so với năm trước.
Năm nay, hàng Việt sẽ chiếm trên 90 % các loại bánh kẹo đóng hộp phục vụ Tết tại Big C với các thương hiệu lớn như Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hương Việt, Hải Hà, Vinabico, Tài Tài, Orion…Big C đã chuẩn bị khoảng 600 tấn thịt nguội, 200 tấn mứt , kẹo truyền thống, 700 tấn rau củ quả. Đối với các loại hàng hóa phi thực phẩm, đại diện Big C khẳng định giá cả sẽ vẫn ổn định.
Trong thời gian bán hàng Tết, Big C sẽ đảm bảo cung ứng đủ hàng hoá và cố gắng bình ổn giá cả các mặt hàng đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng các loại hàng hóa đầu vào.
Big C cũng tăng cường các dịch vụ khách hàng như tăng cường xe buýt miễn phí, giao hàng miễn phí, mua hàng trả góp, tăng cường bộ phận thu ngân, an ninh, vệ sinh…Nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn tại BigC cũng được tung ra trong dịp Tết với gần 3.000 sản phẩm giảm giá đến 50%.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart, cho biết, năm nay doanh nghiệp này đầu tư khoảng 250 tỷ đồng cho hàng Tết, với lượng hàng hóa tăng 30-35% so với hàng tháng. Toàn bộ hệ thống Fivimart sẽ phục vụ khách hàng đến chiều ngày 30 và mùng 6 Tết thì mở cửa hoạt động trở lại.
Đại diện hệ thống siêu thị Media Mart cũng khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng cháy hàng dịp Tết. “Sẽ không có tình trạng cháy hàng xảy ra tại Media Mart vì chúng tôi đã làm việc với các đối tác chiến lược, lên kế hoạch nhập hàng, để đảm bảo đủ nguồn cung. Riêng với các mặt hàng mùa vụ thì khả năng cháy hàng hay không sẽ phụ thuộc vào thời tiết, mức độ rét”, vị đại diện chia sẻ.
Hàng hóa của Media Mart đã đầy đủ về số lượng, chủng loại, để phục vụ cho nhu cầu mua sắm dịp Tết. Các chương trình khuyến mại lớn nhằm kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng cũng chuẩn bị “bung” ra.
Theo thống kê, lượng hàng nhập về của Media Mart năm nay tăng lên 60%. Tuy nhiên, có 1 số mặt hàng nhập khẩu từ Thái Lan như IT, phụ kiện bị ảnh hưởng bởi lụt lội ở Thái Lan.
Như mọi năm, mặt hàng ăn khách nhất trong dịp Tết của Media Mart vẫn là tivi, dàn âm thanh, tiếp đó, là máy giặt, tủ lạnh, và 1 số mặt hàng mùa vụ như đồ sưởi, máy sấy quần áo, sấy tóc...
Còn đại diện của hệ thống siêu thị Hapro cho hay, đã chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết từ tháng 6/2011 với tổng lượng dự trữ hàng hóa, dịch vụ khoảng 905,4 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2011.
“Ngoài việc sửa sang cơ sở vật chất kỹ thuật, công tác vệ sinh, chuẩn bị ánh sáng, âm thanh, băng rôn, khẩu hiệu… Hapro tăng cường dự trữ hàng hóa, mở thêm 100 gian hàng ngoài trời và 50 chuyến hàng lưu động tại các quận nội thành Hà Nội”, đại diện của Hapro cho biết.
Bên cạnh đó, từ ngày 21- 25/12 tháng Chạp, Hapro còn tổ chức 06 điểm bán hàng theo mô hình “chợ Tết” có quy mô từ 1.000 – 3.000 m2 tại các huyện Từ Liêm, Quốc Oai, Hoài Đức, Đông Anh, Thường Tín, Gia Lâm.
Không chỉ lo thiếu hàng, các siêu thị lớn còn đang "đau đầu" lo đối phó với tình trạng "tắc đường" trong khu vực thanh toán, điều mà khiến khách hàng dễ "mất bình tĩnh" nhất trong những dịp đi mua sắm Tết. Nhu cầu mua sắm dịp Tết của người tiêu dùng rất lớn, hằng năm tại các siêu thị vẫn thường xảy ra tình trạng tắc nghẽn, thời gian thanh toán quá lâu do khách đông. Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, cho hay, dựa trên kinh nghiệm phục vụ từ những năm trủớc, Big C sẽ cố gắng hết sức để khách hàng đến mua sắm trong điều kiện tốt nhất.
"Về việc thanh toán, hiện có 101 quầy sẽ mở 100%. Ngoài ra còn có các quầy phụ trong khu vực mỹ phẩm, chế biến, rượu, điện máy, Big +,... Big C cho bố trí người đọc loa điều tiết khách tại dàn thu ngân. Mở rộng diện tích kinh doanh (thêm 14%, nâng tổng số lên 10.008 m2) giúp các lối đi thông thoáng, khách hàng di chuyển dễ dàng. Lực lượng an ninh cũng được tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng như công an trật tự, công an phường, quận nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho khách", ông Tuấn nói.
Bên cạnh đó, thời gian bán hàng cũng được điều chỉnh. Cụ thể, từ 24 - 28 tháng Chạp, mở cửa từ 7h (bình thường là 8h30) đến 23h (bình thường là 22h), ngày 29 Tết, mở từ 7h đến 12h trưa. Riêng ngày 26 Tết, sẽ bán hàng thông đêm.
Ngoài ra, không chỉ dịch vụ thanh toán, an ninh mà các dịch vụ khác cũng được tăng cường như gói quà, giao hàng miễn phí, xe buýt miễn phí, trông xe (mơ rộng diện tích bãi đỗ xe nâng sức chứa lên 10.000 xe máy so với trước là 7.000, 400 ô tô so với trước là 300, tăng số lượng xe đẩy, giỏ kéo, giỏ xách...
Để giảm tải tình trạng “tắc nghẽn” tại siêu thị, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Co.opMart tăng cường những biện pháp như tăng số lượng nhân sự thời vụ để hỗ trợ bỏ bao tại khu vực thu ngân; phụ kho để chuyển hàng ra quầy kệ, bán hàng, giao hàng tận nhà; tăng cường đặt hàng qua điện thoại, đặt thêm những quầy thanh toán nhanh và kéo dài thời gian phục vụ khách hàng trong ngày, mở cửa sớm hơn và đóng cửa khi khách cuối cùng ra về".
Mặc dù vậy, ông Nhân thừa nhận, nhiều siêu thị thuộc Co.opMart vẫn quá tải vào giờ cao điểm do người tiêu dùng vẫn chưa quen với việc mua hàng qua điện thoại, ti vi dù Saigon Co.op đã mở ra các kênh phân phối này.
Theo Dat Viet