Sự kiện hot
7 năm trước

Sóc Sơn, Hà Nội: Công ty TNHH Thép An Khánh "vô tư" xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Mặc dù trước đó đã có Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội về hành vi xây dựng trái phép, nhưng Công ty TNHH Thép An Khánh ngang nhiên xây dựng hàng ngàn m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp.

 

Điều đáng ngạc nhiên là Công ty TNHH Thép An Khánh xây dựng trái phép trên khu đất liền kề với UBND xã Phù Lỗ, ranh giới chỉ là bức tường "mong manh".

Chính quyền xã làm ngơ cho sai phạm

Trao đổi với phóng viên về vi phạm của Công ty TNHH Thép An Khánh, ông Lê Hồng Văn, Chủ tịch UBND xã Phù Lỗ khẳng định: “Công ty TNHH Thép An Khánh là một trong số 13 công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã Phù Lỗ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp gần 10 năm nay (từ năm 2008) và đã có kết luận của Thành phố. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội đã có kết luận về việc vi phạm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, TTXD trên địa bàn xã Phù Lỗ”. Theo đó, chính quyền xã đã yêu cầu Công ty TNHH Thép An Khánh làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Điều kỳ lạ là Công ty TNHH Thép An Khánh không tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, qua đó góp phần đóng góp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định pháp luật mà tiếp tục vi phạm luật đất đai, xây dựng trái phép thêm hàng ngàn m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp.

Ngày 31/10/2016, UBND xã Phù Lỗ đã tiến hành lập biên bản “Vi phạm hành chính và yều cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm đối với Công ty TNHH Thép An Khánh do ông Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty đã có hành vi vi phạm hành chính là: Tự ý lắp dựng công trình trên đất không được phép xây dựng (đất nông nghiệp) với diện tích vi phạm hơn 2.000m2 tại xóm Đông Đoài, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn.

Sóc Sơn, Hà Nội: Công ty TNHH Thép An Khánh "vô tư" xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Công trình của Công ty TNHH Thép An Khánh "ngang nhiên" xây dựng sát trụ sở UBND xã

Khi phóng viên xuống ghi nhận thực tế, khu đất của công ty TNHH Thép An Khánh nằm ngay sát UBND xã Phù Lỗ. Thậm chí bước vào cổng UBND xã là hình ảnh nhà xưởng cao sừng sững, nằm ngay tầm mắt khi bước lên tầng 2, là phòng Chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, hơn 2.000m2 nhà xưởng, kho vẫn được công ty TNHH Thép An Khánh “vô tư” hoàn thiện và đưa vào sử dụng trước sự “thờ ơ” của UBND xã Phù Lỗ và các cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn.

Như vậy, ngoại trừ biên bản vi phạm hành chính và yều cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm, Quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm TTXD được lập trên giấy và cất giữ trong hộc tủ, chỉ khi các cơ quan chức năng kiểm tra yêu cầu, các văn bản đó mới được đưa ra.

Có thể thấy, trước đó đã có rất nhiều những thông tin phản ánh về các trường hợp vi phạm Luật Đất đai, vi phạm TTXD nghiêm trọng khác trên địa bàn xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn. Câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề: “Có hay không việc hợp thức hóa vi phạm, phạt hành chính rồi cho tồn tại? Trách nhiệm của UBND xã Phù Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn ra sao khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng kéo dài không xử lý dứt điểm, ngang nhiên phát sinh thêm nhiều vi phạm mới? Điều này thể hiện sự buông lỏng quản lý hay bao che cho vi phạm"?

Xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật như thế nào? 

Liên quan đến việc Cty TNHH Thép An Khánh xây dựng trái phép hàng ngàn m2 nhà xưởng trên đất nông nghiệp, trao đổi với PV, Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng Luật sư Long Tâm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định pháp luật hiện nay, Công ty TNHH Thép An Khánh đang vi phạm 02 nội dung: 

Thứ nhất là sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích khi tiến hành xây dựng nhà xưởng, kho phục vụ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Hình thức xử lý đối với vi phạm này là phạt tiền từ 01 triệu đến 50 triệu đồng.

Kèm theo là chế tài, biện pháp buộc khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ nhà xưởng, công trình vi phạm trên đất nông nghiệp. Nộp lại khoản thu lợi bất chính từ việc sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. (Điều 6, Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP).

Vi phạm thứ hai là tự ý xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp. Vi phạm trật tự xây dựng. Hình thức xử lý đối với vi phạm là xử phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng (Điểm a), Khoản 7, Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP).

Khi được hỏi về trách nhiệm của UBND xã Phù Lỗ, UBND huyện Sóc Sơn khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, không được xử lý dứt điểm gây bức xúc trong nhân dân, Luật sư Lê Ngọc Hoàng cho biết, Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công đã chỉ rõ trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng.

Theo đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn; về các trường vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. UBND thành phố xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trong các trường hợp tiếp tục để xảy ra vi phạm, không xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Yêu cầu Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải kiên quyết, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật ngay từ khi các vi phạm đó xảy ra; lập hồ sơ các trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp huyện xử lý theo quy định của pháp luật.

Chỉ thị số 04 nhấn mạnh, đối với địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xử lý, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Trước đó, liên quan đến tình trạng lấn chiếm đất công, lấp hồ đầm điều hoà và vi phạm trật tự xây dựng kéo dài tại xã Phù Lỗ (Sóc Sơn, Hà Nội), ngày 25/4/2017, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã có văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn phải nhanh chóng xác minh, làm rõ các sai phạm, qua đó đưa ra mức xứ lý sai phạm (nếu có) đối với các cá nhân, tập thể có liên quan.

Vậy nhưng có thể thấy, đến nay các sai phạm về đất đai tại xã Phù Lỗ (Sóc Sơn) vẫn còn diễn ra phổ biến, mang tính hệ thống, các chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về xử lý sai phạm lại chưa được thực hiện triệt để, gây bức xúc cho người dân địa phương.

Đoàn Thắng - Thu Trang/Công lý

Từ khóa: