Lũy kế 9 tháng, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu đạt 1.545 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 203,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 171% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận năm.
Thông tin từ CTCP Sợi Thế Kỷ (mã STK), doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 ghi nhận doanh thu thuần đạt 468 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu doanh thu, sợi tái chế chiếm tỷ trọng 48% và sợi thường chiếm 52%. Xét theo thị trường, nội địa và xuất khẩu tại chỗ đóng góp 58% trong khi xuất khẩu trực tiếp đóng góp 42%.
Doanh nghiệp thông tin, quý III ảnh hưởng của dịch bệnh, đơn vị duy trì mô hình sản xuất “3 tại chỗ” nên chỉ vận hành khoảng 55% công suất. Các khách hàng nội địa cũng giảm quy mô hoạt động nên doanh thu quý III chỉ bằng 92% quý II và thực hiện 80% kế hoạch quý; lợi nhuận bằng 86% quý II và vượt 1% kế hoạch quý.
Trong quý 3, Sợi Thế Kỷ tiếp tục sản xuất đơn hàng đặc biệt như sợi Quick Dry, Full Dull, Dope Dye, Recycle, CD Mix và duy trì sản xuất hàng AAA chất lượng cao cho thị trường trong nước lẫn xuất khẩu (Nhật, Mỹ). Ngoài ra, công ty cũng có thêm 14 khách hàng mới.
Sau khi trừ đi các chi phí, Sợi Thế Kỷ thu về lãi ròng 62,4 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu đạt 1.545 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 203,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 171% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 66% kế hoạch doanh thu và 82% mục tiêu lợi nhuận năm.
Theo kế hoạch được thông qua tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, công ty có kế hoạch chào bán 13,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 20%. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 707 tỷ đồng lên 843 tỷ đồng. Giá cào bán 10.000 đồng/cp. Toàn bộ số tiền thu được dùng để đầu tư dự án Unitex.
Trong quý III/2021, Sợi Thế Kỷ đã phối hợp với công ty tư vấn và làm việc với phía Cục phòng vệ thương mại Việt Nam liên quan vụ việc chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.
Bộ Công Thương Việt Nam đã tiến hành áp thuế chống bán phá tạm thời đã áp dụng từ 3/9/2021 và mức thuế chính thức đã được công bố vào ngày 13/10/2021.
Việc áp thuế CBPG đối với hàng nhập khẩu từ các nước China, India, Malaysia, Indonesia cũng góp phần hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh.
Về ngành dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành đánh giá, dự kiến trong quý cuối năm nay, khi tình hình dịch bệnh được ổn định và các doanh nghiệp được mở cửa lại cùng các hoạt động sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm có thể đạt được mức 37,5 - 38 tỷ USD.
Theo Dự báo, giai đoạn 2021-2023 là giai đoạn phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19. Vì vậy, trong năm 2022, nếu tình hình sản xuất trở lại tốt hơn ngành dệt may sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 39 - 42 tỷ USD.
Lan Anh
Theo KTDU