Hướng vào khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, thời gian qua huyện Mộc Châu (Sơn La) đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP). Qua đó, giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao thu nhập, phát triển đời sống và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.
Huyện Mộc Châu từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao, nhất là các loại hoa quả như mận, xoài, chuối, hồng giòn… Phát huy điều này, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thị trấn đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của Thị trấn Nông trường Mộc Châu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Điển hình là các sản phẩm như: Mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược, rượu mận, xoài sấy dẻo, hồng giòn sấy dẻo…
Bà Nguyễn Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Mộc Châu cho biết: “Hiện nay, toàn huyện Mộc Châu có 30 sản phẩm đã được UBND tỉnh Sơn La công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao, 19 sản phẩm đạt 3 sao, đặc biệt có 1 điểm du lịch sinh thái được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.Về chu trình OCOP được triển khai đến 15 xã, thị trấn và toàn thể các doanh nghiệp, HTX đóng trên địa bàn huyện, cụ thể có 04 doanh nghiệp với 09 sản phẩm đạt OCOP; 05 HTX với 17 sản phẩm đạt OCOP; 02 hộ kinh doanh với 04 sản phẩm đạt OCOP”.
“Về địa phương có sản phẩm OCOP có 3/15 xã, thị trấn đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó thị trấn Nông trường Mộc Châu có 09 sản phẩm đạt 4 sao, 12 sản phẩm đạt 3 sao; xã Đông Sang có 02 sản phẩm đạt 3 sao; xã Tân Lập có 02 sản phẩm đạt 4 sao, 04 sản phẩm đạt 3 sao; xã Mường Sang có 01 sản phẩm du lịch (Thác Dải yến) đạt 4 sao đóng trên địa bàn, tuy nhiêm chủ thể có địa chỉ thị trấn nông trường Mộc Châu. Có 11/15 xã, thị trấn chưa có sản phẩm OCOP là thị trấn Mộc Châu; các xã Chiềng Hắc, Chiềng Sơn, Lóp Sập, Chiềng Khừa, Phiêng Luông, Hua Păng, Quy Hướng, Nà Mường, Tà Lại, Tân Hợp”- bà Hòa cho biết thêm.
Được biết, không chỉ ở huyện Mộc Châu mà tại hầu hết các địa phương khác ở Sơn La, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã mang đến “làn gió” mới cho sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm OCOP đã và đang dần trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Từ năm 2018, các cấp, các ngành đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước khẳng định thương hiệu. Đồng thời, xác định các sản phẩm OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương.
Ông Mai Đức Thịnh - Giám đốc HTX Dịch vụ PTNN 19/5 huyện Mộc Châu chia sẻ: “Hiện nay, HTX đang có 6 sản phẩm đạt OCOP gồm có sản phẩm rượu mận, rượu mơ, rượu ngô, mận sấy mật ong, mận sấy gừng, sấy thảo dược…HTX chính thức được thành lập 2000, đến năm 2004 mới chính thức được kiện toàn HTX theo luật, đến nay HTX đang có 37 công nhân chính thức và quỹ đất liên kết của HTX có 100 ha; đất HTX quản lý 20 ha…”.
Ngoài ra, ông Thịnh chia sẻ thêm, HTX hiện nay có 05 lĩnh vực hoạt động, thức nhất là vật tư khoa học kỹ thuật đầu vào trong đó là giống, các loại cây trồng, biện pháp chăm sóc, bảo vệ thực vật; thứ hai, sản xuất nông nghiệp vẫn kéo dài từ giai đoạn đầu tới nay, sản xuất nông nghiệp chia làm 2 nội dung là cây dài ngày và cây ngắn ngày vẫn đan xen nhau; thứ ba là chế biến; thứ tư là chăn nuôi làm theo hướng truyền thống tận dụng những bã thừa, bã thải để sử dụng…; thứ năm, du lịch nông nghiệp năm 2007 HTX đã có đề xuất, nhưng đến năm 2014 HTX mới thực hiện được.
Việc phát triển sản phẩm OCOP ở huyện Mộc Châu còn được thực hiện về hoạt động xúc tiến thương mại như phối hợp với Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh giới thiệu danh mục, thông tin sản phẩm OCOP tỉnh trên hệ thống ngành toàn quốc; Khuyến khích, giới thiệu tham gia nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, tham gia các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu danh mục sản phẩm OCOP đến các địa phương, các nhà phân phối, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước, tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản của huyện Mộc Châu trên các môi trường trực tuyến, các sàn thương mại điện tử như Shopee, voso.vn…
Cùng với đó, giới thiệu kết nối và tiêu thụ sản phẩm đặc sản đặc trưng vùng miền OCOP của huyện Mộc Châu, sản phẩm đạt công nghiệp nông thôn tiêu biểu vào hệ thống các siêu thị, chuỗi phân phối trong và ngoài tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa…một số sản phẩm đã tham gia hội chợ Quốc tế tại Lào, Thái Lan. Đưa các sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP đến các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP do tỉnh hỗ trợ tại Mộc Châu như Trang trại Bò sữa DairyFarm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm của HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu, các cửa hàng bán đặc sản và đồ lưu niệm, các nhà nghier cộng đồng Homestay tại Mộc Châu.
Ông Phạm Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Thanh Mộc Châu cho biết: “HTX hiện nay, có tổng 21 ha trồng cây ăn quả gồm mận, bơ, cam…có 6 sản phẩm đạt OCOP 4 sao là mận sấy dẻo, chuối, xoài, hồng, đu đủ sấy, nước cốt chanh leo…Từ khi phát triển các sản phẩm OCOP, bà con đã yên tâm gắn bó hơn với các loại cây trồng đặc sản của địa phương vì thị trường tiêu thụ được mở rộng, đầu ra của sản phẩm cũng được bảo đảm hơn trước đây”.
Với kinh nghiệm gần 30 năm nuôi ong và chế biến mật, được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ, ông Nguyễn Đăng Thơ, thị trấn Nông trường Mộc Châu quyết tâm đưa các sản phẩm từ mật ong tham gia chương trình OCOP. Năm 2020, gia đình ông đã có 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP tiêu chuẩn 3 sao: Mật hoa nhãn, mật hoa rừng và sữa ong chúa. "Trong quá trình xây dựng sản phẩm đạt OCOP, cơ sở được các đơn vị chuyên môn của huyện và tỉnh tư vấn hoàn thiện phương án kinh doanh, bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm… Từ khi được công nhận OCOP cuối năm 2020, sản phẩm ngày càng được nhận được sự tin tưởng của khách hàng, có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Năm 2020, gia đình đã xuất bán gần 100 tấn mật ong, doanh thu đạt 1,2 tỷ đồng". Ông Nguyễn Đăng Thơ chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Hường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu, cho biết: “Nhìn chung, sau 04 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa trên địa bàn huyện Mộc Châu. Chương trình nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các phòng, ban, trung tâm, các xã, thị trấn ngày càng chặt chẽ. Bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương như: Mận hậu Nà Ka, Mận sấy dẻo, Hồng giòn sấy dẻo, Siro dâu tây, Mứt Dâu tây, Chè Shan đặc biệt, Chè Bát Tiên đặc biệt, Chè Olong, Khu du lịch sinh thái Thác Dải Yếm…”.
Phát triển đa dạng các sản phẩm, đặc sản thành sản phẩm OCOP, Mộc Châu từng bước phát triển thương hiệu, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương.
Phi Long - Thanh Phong – Minh Đông/ VP Tây Bắc
Theo Kinh tế & Đồ uống