Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách, tập trung khai thác thế mạnh phát triển nông - lâm nghiệp - thủy sản - du lịch, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Được biết, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng Đề án chuyển đổi kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, trong đó, trọng tâm là phát triển nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả trên đất dốc, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, gắn với đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển diện tích rừng bảo vệ lòng hồ thủy điện, gắn với phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, tán cây ăn quả để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nhân dân.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đã góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực, như thủy sản, dứa nguyên liệu. Trên cơ sở định hướng, huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu giống, mùa vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng vùng, từng địa phương; phát triển sản xuất tập trung gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng có lợi thế của huyện. Huy động và lồng ghép hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế.
Với lợi thế hơn 10.000 ha mặt nước, huyện Quỳnh Nhai đã xây dựng thí điểm mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng; vận động các hộ dân dọc sông nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Với mục tiêu nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh thị trường, năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với huyện Quỳnh Nhai xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cá Sông Đà Sơn La”.
Đến nay, toàn huyện có 1 liên hiệp HTX và 47 HTX nuôi trồng thủy sản, với 5.876 lồng cá các loại; trong đó, có 8 HTX được trao chứng nhận “Cá Sông Đà Sơn La”. Đây là cơ hội lớn trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh nuôi trồng thủy sản. Cũng chính từ nguồn lợi thủy sản, người dân vùng lòng hồ sông Đà đã khai thác, xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng, đạt tiêu chuẩn OCOP, như: Mắm tép sông Đà, chả cá, cá tép dầu; trong đó, sản phẩm cá tép dầu đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Tổng sản lượng thủy sản từ đầu năm đến nay ước đạt 1.322 tấn, trong đó sản lượng cá nuôi đạt 983 tấn, sản lượng tôm, cá đánh bắt đạt 339 tấn.
Cùng với sự phát triển nuôi trồng thủy hải sản trên lòng hồ sông Đà, huyện đã tận dụng tốt những tiềm năng, lợi thế, cảnh đẹp của địa phương đẩy mạnh phát triển du lịch, với nhiều hoạt động trải nghiệm, khám phá mới mẻ thu hút đông đảo du khách đến với huyện. Tính riêng 9 tháng qua, huyện đã đón gần 123.400 lượt khách du lịch, doanh thu đạt trên 46.350 triệu đồng. Nhiều mô hình du lịch, khám phá trải nghiệm trên lòng hồ ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển, bước đầu đã mang lại giá trị tích cực cho hoạt động du lịch huyện Quỳnh Nhai nói riêng và tỉnh nói chung.
Bên cạnh phát triển nuôi trồng thủy hải sản, kết hợp với du lịch, từ đầu năm đến nay huyện đã gieo trồng được 305 ha cây công nghiệp hàng năm, 480ha cây rau, đậu, gia vị các loại, sản lượng đạt 2.784 tấn. Đối với cây lâu năm, huyện đã chỉ đạo chăm sóc, làm cỏ và bảo vệ trên 1.924 ha cây ăn quả (trong đó trồng mới và trồng lại được trên 31ha dứa). Chăm sóc tốt cho hơn 733 ha cây cao su, sản lượng mủ đông khai thác 925 tấn, tập trung chăm sóc hiệu quả 225 ha cây cà phê; 26 ha cây chè; 596 ha dược liệu… Tích cực đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhờ vậy đàn vật nuôi trên địa bàn được duy trì và phát triển ổn định.
Hiện, tổng đàn trâu đạt 11.627 con, đàn bò 24.392 con, đàn ngựa 42 con,đàn dê 15.180 con, đàn lợn 44.457 con, tổng đàn gia cầm 4 356.414 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng đầu năm ước đạt ước đạt 2.588 tấn. Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Huyện đã quy hoạch thành 3 vùng kinh tế chủ đạo, gồm vùng dọc sông Đà, vùng dọc quốc lộ 6B, quốc lộ 279 và vùng cao. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương. Chú trọng đưa ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm chủ lực và là tiềm năng thế mạnh của huyện; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư và đảm bảo phát triển bền vững vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Với mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện sẽ trồng mới tập trung 4.000 cây ăn quả trên đất dốc, 1.400 ha cây dược liệu dưới tán rừng; tổng đàn trâu, bò 37.500 con; sản lượng khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản đạt 5.000 tấn/năm... Quỳnh Nhai tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến của các nhà máy và xuất khẩu, tranh thủ tối đa nguồn lực của Nhà nước, kết hợp lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; chủ động phối hợp tháo gỡ đầu ra cho nông sản hàng hóa.
Phi Long - Nam Trứ/ VPTB
Theo KTĐU