Sự kiện hot
9 tháng trước

Sơn La: Khai thác tiềm năng kinh tế số trong quảng bá sản phẩm OCOP

Khai thác tiềm năng kinh tế số, tỉnh Sơn La quyết tâm đưa nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành để xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP.

Thanh niên Sơn La tham gia livestream bán nhãn và các nông đặc sản tại Sơn La

Từ 9h đến 13h ngày 12/8, hơn 11 nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội đã hội tụ tại huyện sông Mã, tỉnh Sơn La để livestream quảng bá, bán một số sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Sơn La như: Nhãn miền, nhãn ánh vàng, long nhãn, tỏi đen, mận hậu sấy dẻo Mộc Châu, mật ong, chẳm chéo, trà hoa đu đủ đực,….

Chương trình "Chợ phiên OCOP - Sơn La - Về miền nông sản" do Trung ương Đoàn Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một số đơn vị phối hợp tổ chức. Chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, các KOL (những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) với 12 phiên livestream đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, 572.180 lượt vào xem livestream, 5 tấn nhãn Sông Mã cùng 2350 đơn hàng nông sản được bán, mang về 467 triệu đồng doanh thu. Qua đó góp phần giới thiệu, lan tỏa hình ảnh quê hương Sơn La với nhiều sản phẩm đặc trưng đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Chiều ngày 12/8/2023 tại Hội trường huyện ủy Sông Mã diễn ra Diễn đàn chuyển đổi số trong truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP của thanh niên với chủ đề "Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP".

Bà Tráng Thị Xuân, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La cho rằng: “Chủ đề Diễn đàn “Khai thác tiềm năng kinh tế số trong xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP” lần này, tập trung vào các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong xác tiến - quảng bá các sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La.

Chúng tôi kỳ vọng, đây là cơ hội để các đơn vị hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh thanh niên trên địa bàn tỉnh được tiếp cận, kết nối với các chuyên gia chuyển đổi số trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, cũng như được chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong các hoạt động ứng dụng chuyển đổi số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Đây là diễn đàn quan trọng và rất ý nghĩa để lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương lắng nghe, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp và khát vọng vươn lên làm chủ khoa học & công nghệ để xây dựng quê hương, đất nước.

Bà Tráng Thị Xuân, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Diễn đàn  

Đồng thời, qua Diễn đàn, giúp thanh niên hiểu rõ hơn việc chăm lo của Đảng và Nhà nước nói chung, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nói riêng cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh Sơn La; thể hiện tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương với thanh niên, vì sự phát triển của thanh niên, nhằm phát huy hơn nữa tinh thần cống hiến, xung kích, tình nguyện của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Sơn La”.

Đến nay toàn tỉnh Sơn La có 5.917 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương. Số lượng các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng với 785 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có trên 30% hợp tác xã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Hiện có 12 doanh nghiệp, hợp tác xã khoa học và công nghệ, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Toàn tỉnh có 110 sản phẩm OCOP, tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; các sản phẩm Mận sấy; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo…. Toàn tỉnh đã được cấp 281 mã số vùng trồng với diện tích 4.608,45 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đang hỗ trợ duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; tiếp tục triển khai 7 dự án hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

"Nội dung chính Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về 3 vấn đề chính đó là: (1) Khai thác tiềm năng kinh tế số trong phát triển quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP; (2) Kinh tế số từ góc nhìn của Thương mại điện tử; (3) Quảng bá tài nguyên bản địa trên không gian số. Đây là 3 vấn đề rất quan trọng, là những giải pháp rất cụ thể để thực hiện những mục tiêu đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững", đồng chí Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn.

PV

Theo Kinh tế & Đồ uống

Từ khóa: