Vào thời điểm này, ở huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La đâu đâu cũng thấy những vườn, đồi nhãn sai trĩu quả. Theo kinh nghiệm của người dân, lúc này quả nhãn đang thời kỳ phơi màu vàng sáng, căng tròn, cùi dày, ăn ngọt. Đến khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 dương lịch là nhãn chín rộ sẽ bước vào thu hoạch.
Hơn 60 năm bén rễ và phủ xanh vùng đất biên cương Sông Mã, tỉnh Sơn La, đến nay sản phẩm nhãn Sông Mã đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ nông sản Việt Nam. Một mùa quả ngọt lại về với bà con trong niềm vui được mùa, được giá và sẵn sàng vươn ra thế giới. Trong đó, trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng. Những năm gần đây huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã và đang đầy mạnh việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trong quá trình chăm sóc cây nhãn. Đặc biệt là ưu tiên sử dụng những sản phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc, từ đó đã dần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nhãn dần tạo dựng thương hiệu vững chắc cho sản phẩm Nhãn Sông Mã trên thị trường.
Sông Mã được biết đến là vựa nhãn lớn nhất của tỉnh Sơn La. Đến nay, toàn huyện đã có gần 7.500 ha nhãn, tập trung chủ yếu ở các xã ven dòng sông Mã như Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong…Với sản lượng bình quân 55.000 tấn (chiếm hơn một nửa sản lượng nhãn trong toàn tỉnh); giá bán bình quân khoảng 20.000 đồng /kg; nhiều lô quả xuất khẩu ra các nước trên thế giới, ước tính mỗi vụ nhãn, huyện Sông Mã thu về cả nghìn tỉ đồng.
Bén duyên với mảnh đất biên cương từ những năm 60 của thế kỷ XX, theo thời gian, cây nhãn cứ thế leo đồi, leo núi, phủ xanh đôi bờ sông Mã, trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của bà con vùng biên cương này.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm nhãn, huyện Sông Mã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, cử cán bộ chuyên môn thường xuyên xuống cơ sở tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, áp dụng các tiến bộ của khoa học vào sản xuất, giúp nâng cao hơn nữa chất lượng quả nhãn, tăng khả năng cạnh tranh và đem lại doanh thu cao. Đặc biệt để hình thành những vùng chuyên sản xuất nhãn xuất khẩu với diện tích lớn, chất lượng đảm bảo từ năm 2016 đến nay, huyện đã vận động nhân dân trên địa bàn thành lập các HTX.
Trong đó, các HTX phải đảm bảo chăm sóc nhãn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và Oganic. Kết quả đến nay, toàn huyện có 19 HTX sản xuất nông nghiệp, trong đó có 17 HTX đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với diện tích 440,5 ha, sản lượng khoảng 4.400 tấn; 9 HTX được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu sang các thị trường các nước phát triển với diện tích 65,35 ha với sản lượng 650 tấn.
Được thành lập năm 2016, với 18 thành viên HTX Toàn Thắng bản Tây Hồ, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La có diện tích 35 ha, sản lượng đạt 150 tấn nhãn/ vụ. Ngay từ khi thành lập các thanh viên HTX thực hiện ứng dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các nhu cầu của thị trường. Trước đó, vụ nhãn trong năm 2020 này HTX Toàn Thắng tiếp tục đăng ký xuất khẩu 150 tấn nhãn quả tươi.
Ông Dương Tự Thanh - Giám đốc HTX Toàn Thắng, bản Tây Hồ xã Nà Nghịu - huyện Sông Mã cho biết: "Trước đây chưa thành lập HTX, chúng tôi sản xuất nhãn hoàn toàn bằng phương pháp tự phát, lạm dụng phân vô cơ và sử dụng các loại phân bón hóa học làm ảnh hưởng đến chất lượng quả nhãn, ảnh hướng đến sức khỏe của người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Từ sau khi chúng tôi tham gia vào HTX, chúng tôi đã được tập huấn rất nhiều về quy trình, kỹ thuật sản xuất, cách chăm bón, chuyển đổi từ phân vô cơ sang phân hữu cơ và từ hóa học sang sinh học. Qua quá trình tham gia, chúng tôi thấy rằng đã cải tạo được vườn sản xuất đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và mẫu mã đẹp.”
Với diện tích 1,5 ha cây ăn quả, trong đó có 8000 m2 nhãn. Từ khi gia nhập HTX Toàn Thắng ông Nguyễn Văn Hanh đã thay đổi hẳn thói quen chăm sóc cũ sang sản xuất theo quy trình sạch, tuân thủ các quy trình chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn để năng xuất chất lượng quả nhãn đạt cao hơn. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà đến nay không chỉ các HTX biết và áp dụng sản xuất theo quy trình sạch mà nhiều hộ dân có diện tích nhãn từ 1 ha trở lên cũng đã tự chủ động tham gia các lớp tập huấn, đi học tập kinh nghiệm tại các nhà vườn lớn và tìm hiểu trên sách báo để chủ động sản xuất ra những quả nhãn sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, để chủ động giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, Sông Mã đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp quảng bá, xuất khẩu sản phẩm nhãn tới thị trường trong nước và nước ngoài, tập trung vào thị trường Australia, Trung Quốc, Hà Nội và các tỉnh trong nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của huyện được tiếp cận, hợp tác với doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia xuất khẩu nông sản, đưa sản phẩm nhãn và nông sản an toàn tới các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: “Huyện chỉ đạo các xã, HTX phát triển diện tích cây ăn quả theo hướng liền vùng liền khoảnh, tạo vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng mẫu mã theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đặc biệt thời gian tới sẽ khảo sát, lựa chọn xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích nhãn trên địa bàn, đưa diện tích nhãn đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, yêu cầu thị trường”.
Không chỉ xây dựng thương hiệu, vị trí vững chắc tại thị trường nội địa, Sơn La đã định hướng lộ trình để nhãn Sông Mã từng bước chinh phục thị trường quốc tế. Đến nay, Sông Mã đã được cấp gần 50 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc, Úc, New Zealand, với diện tích gần 500ha.
Sông Mã đang sẵn sàng cho những chuyến container nhãn đầu tiên của năm 2023 sẽ khởi hành, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU và Vương quốc Anh vào cuối tháng 7 này; đem theo kỳ vọng vươn xa của trái ngọt trên dải đất biên cương Tổ quốc.
Phi Long /VP Tây Bắc
Theo KTĐU