Sự kiện hot
9 tháng trước

Sơn La: Phát huy lợi thế địa phương, phát triển các sản phẩm OCOP

Những năm qua, tỉnh Sơn La xác định phát triển các sản phẩm OCOP là nội dung trọng tâm, giải pháp quan trọng trong xây dựng nông thôn mới bền vững, qua đó góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày của tỉnh Sơn La. Ảnh: Nam Trứ.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày của tỉnh Sơn La. Ảnh: Nam Trứ.

Triển khai thực hiện Quyết định số 1337/QĐ-UBND ngày 01/7/2022 của UBND tỉnh Sơn La về việc giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch: Số 04/KH-BCĐ ngày 25/01/2022 của BCĐ các Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc Kiểm tra, rà soát các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Sơn La năm 2022; Số 140/KH-UBND ngày 18/5/2022 về việc Hỗ trợ điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2022; Số 230/KH-UBND ngày 15/09/2022 về việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Sơn La năm 2022.

Năm vừa qua, tỉnh đã tổ chức một hội nghị triển khai kết nối giao thương giữa Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La và Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Đà Nẵng, hội nghị thu hút 80 đại biểu tham dự; một Chương trình tập huấn các sản phẩm OCOP, gần 60 đại biểu của các đia phương tham dự. Nhiều nội dung tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng, thiết thực, với mục đích là kết nối giao thương, tạo điều kiện cho 2 ngành, các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp, hợp tác xã của 2 tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin thị trường, phối hợp kết nối cung cầu hàng hóa; tạo cơ hội để mở rộng thị trường kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tìm ra giải pháp hình thành các chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh; sản phẩm OCOP nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khắc phục được những hạn chế tồn tại của doanh nghiệp, HTX nhằm cải tiến phương thức sản xuất để đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về hàng hóa trên thị trường trong và ngoài nước.Tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm để 2 ngành quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh, sản phẩm OCOP tới đối tác và trao đổi giao thương giữa 2 địa phương; tăng thêm sự lựa chọn phù hợp cho người tiêu dùng, đồng thời nắm bắt thị hiếu để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh thích hợp, đón đầu xu thế thị trường.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh trao đổi với phóng viên về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nam Trứ.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La trao đổi với phóng viên về các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nam Trứ.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh cho biết: Chương trình OCOP của tỉnh Sơn La đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa trong khu vực nông thôn, tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp tại các địa phương, góp phần giúp nhân dân tăng thu nhập, vươn lên xóa nghèo bền vững. Hiện, toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP trong tương lai.

Với đặc trưng của tỉnh, có nhiều sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền, phong phú về chủng loại bao gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Trong đó có 18 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, cụ thể có 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, Cà phê Sơn La. Có 13 nhãn hiệu chứng nhận: chè Olong Mộc Châu, chè Phổng Lái Thuận Châu, rau an toàn Mộc Châu, Nếp Mường Và Sốp Cộp, Cá tầm Sơn La, Cá sông Đà Sơn La, Cam Phù Yên, Nhãn Sông Mã, Khoai sọ Thuận Châu, Táo Sơn tra Sơn La, Na Mai Sơn, Bơ Mộc Châu, Chuối Yên Châu; 2 nhãn hiệu tập thể: Chè Tà Xùa và mật ong Sơn La.

Festival Trái cây Sơn La. Ảnh: Nam Trứ.

Festival Trái cây tỉnh Sơn La. Ảnh: Nam Trứ.

Sản phẩm chè Bát Tiên đặc biệt được chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Nam Trứ.

Sản phẩm chè Bát Tiên đặc biệt được chứng nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Nam Trứ.

Cũng trong năm 2022, tỉnh Sơn La phát triển mới 27 sản phẩm OCOP (trong đó có 14 sản phẩm cấp tỉnh thực hiện; 13 sản phẩm cấp huyện, đã xây dựng bao bì sản phẩm cho 27 sản phẩm OCOP của các chủ thể ở 11 huyện, thành phố. Đánh giá lại 04 sản phẩm được cấp chứng nhận năm 2019, tòan tỉnh có 10/11 huyện thành phố hoàn thành đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 cụ thể có (tổng sản phẩm tham gia đánh giá 31 sản phẩm: trong đó có 27 sản phẩm phát triển mới; 4 sản phẩm tham gia đánh giá lại, các sản phẩm đều đạt trên 50 điểm do Hội đồng cấp tỉnh đánh giá). Số lượng sản phẩm theo các nhóm được đánh giá phân hạng, kết quả đánh giá cấp Giấy chứng nhận cấp tỉnh. 20 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 11 sản phẩm đạt hạng 3 sao, được công nhận tại Quyết định số 2815/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 110 sản phẩm trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 48 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 61 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm OCOP Sơn La được khách hành trong và ngoài nước công nhận, đánh giá cao về chất lượng cũng như hình thức và được xuất khẩu đáp ứng nhiều thị trường khó tính, như: Sản phẩm Cà phê Bích Thao (5 sao), Sản phẩm chè Sencha, chè Mattra (4 sao), Chè Thu Đan, Chè Trọng Nguyên (4 sao),…Tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như Big C, Winmart, MegaMarket, Hapro Mart…và các chợ đầu mối; tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử: Sendo, Voso, Postmart, Shopee …. Về công tác xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết nối thị trường; tổ chức tham gia gian hàng tại Hội chợ tại tỉnh thành trong nước. Tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Tuần lễ khai trương khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh Phú Thọ; tham gia hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, năm 2022 Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La phối hợp với các đơn vị tham gia xúc tiến thương mại nông sản và sản phẩm OCOP tại các sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh như: Phối hợp với Trung ương Hội nông dân tổ chức và phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam ” tại Thành phố Sơn La với quy mô trên 500 gian hàng trực tiếp, 63 gian hàng trực tuyến; Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Hội chợ Triển Lãm thương mại vùng Tây Bắc - Sơn La” tại huyện Mộc Châu với quy mô 285 gian hàng và trên 150 doanh nghiệp và HTX trong tỉnh và các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc và lân cận tham gia; Phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện du lịch “ Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ II tại thành phố Hà Nội với quy mô 50 gian hàng. Ngoài ra để thúc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP trong tỉnh và kết nối giao thương quảng bá các sản phẩm OCOP với các tỉnh bạn.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở NNPTNT sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng đó tham mưu,  tuyên truyền về các cửa hàng đến với người dân, khách du lịch; tích cực kết nối để các cửa hàng OCOP và doanh nghiệp du lịch tiếp cận, trao đổi lẫn nhau… Qua đó, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất từng bước mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh, nâng cao giá trị sản phẩm thế mạnh của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La ngày càng tiến bộ và phát triển./.

Phi Long – Minh Đông – Nam Trứ

Theo KTĐU

Từ khóa: