Sự kiện hot
2 năm trước

Sơn La: Sản phẩm chè Tà Xùa góp phần phát triển sản phẩm OCOP vùng miền núi

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng sâu, vùng xa. Nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm chè Tà Xùa của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Sơn La) đã có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước.

Trà Xanh Mây; Trà Xanh Thiện của Công ty TNHH Trà và đặc sản Tây Bắc (4 sao).

Bắc Yên, vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, nổi tiếng với những cây chè cổ thụ trăm năm tuổi, cùng nhiều sản vật của núi rừng, như sơn tra, măng trúc, thảo quả... Những tiềm năng, lợi thế trên đã thu hút các HTX, doanh nghiệp tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tạo nên những thương hiệu đặc trưng, nổi bật trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Xã Tà Xùa nằm ở độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, độ ẩm không khí cao, tạo nên hương vị đặc trưng của chè Tà Xùa. Với gần 200 ha chè; trong đó, có khoảng 1.600 cây chè cổ thụ được Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc đầu tư khai thác, chế biến, phát triển trên 10 dòng sản phẩm trà các loại; nổi bật có 2 sản phẩm đạt chứng nhận Ocop, là trà xanh Mây và trà xanh Thiện.

Thu hái chè Shan tuyết cổ thụ tại bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên (Sơn La).

Với những giá trị truyền thống, sản phẩm chè của Tà Xùa đã được nâng tầm thương hiệu khi tham gia chương trình Ocop; từng bước nâng cao giá trị kinh tế, quảng bá thương hiệu chè Tà Xùa, tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường, như: Đài Loan, Pháp, Nhật Bản... Các sản phẩm chè đạt chứng nhận Ocop có giá bán trung bình từ 2-2,5 triệu đồng/kg (thường được đóng gói trọng lượng 80 gam).

Ông Phạm Vũ Khánh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc cho biết: “Công ty đã áp dụng khoa học kỹ thuật, các quy trình chế biến hiện đại; đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; đảm bảo chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, Công ty thu mua khoảng 50 tấn chè của người dân trên địa bàn với giá từ 40-60 nghìn đồng/kg, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ thu hái chè và sản xuất trà”.

Các sản phẩm được tỉnh, huyện tạo điều kiện tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để giới thiệu, quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ và nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng; nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo thêm việc làm, nguồn thu cho người dân.

Ông Lê Văn Kỳ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, cho biết: Phấn đấu đến năm 2025, có 50% số xã xây dựng được sản phẩm Ocop. Đồng thời, phát triển các ý tưởng mới gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nhất là các sản phẩm nông, lâm nghiệp, du lịch... Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, hộ dân xây dựng sản phẩm Ocop.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai trên địa bàn huyện Bắc Yên không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn là cơ hội để các địa phương xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và góp phần giúp huyện Bắc Yên đạt được mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025./.

Sơn Thủy/KTDU

Từ khóa: