Điểm đến hấp dẫn
Bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10 km về phía Đông Bắc. Với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị, Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam.
Bán đảo có diện tích hơn 4.400 ha, dài 13 km với chu vi khoảng 60 km, độ cao trung bình 350 m, nơi cao nhất là đỉnh Ốc gần 700 m. Cùng với đèo Hải Vân và vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà được gọi là ‘lá phổi xanh’, là bình phong bao bọc, che chắn cho thành phố Đà Nẵng.
Bán đảo Sơn Trà, nằm trong vùng khí hậu mát mẻ trong lành, có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, lâu nay đã là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của Đà Nẵng với tiềm năng du lịch sinh thái của những cánh rừng già giữa lòng thành phố trẻ, cùng những bãi biển nổi tiếng được nhiều trang mạng du lịch quốc tế uy tín bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới. Có nhiều điểm dừng chân thu hút du khách như đỉnh Bàn Cờ, Chùa Linh Ứng, Cây đa di sản....
Một góc hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà
Đi qua cầu Rồng, ngước nhìn về phía Sơn Trà, hiện ra những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, một màu xanh tự nhiên cây lá. Gần đến chân núi, tượng Quan Thế Âm hiện ra trước mắt. Mây trời, thiên nhiên hoang dã và biển hoà quyện, tạo ra một không gian lãng mạn, phiêu bồng và kỳ thú. Kích thích con người khát khao khám phá.
Đến chân núi Sơn Trà, để lại đằng sau những ồn ào, náo nhiệt của phố phường, bước vào một không gian trong lành và xanh thẳm của núi rừng, cây cỏ và mặt nước biển vây quanh. Con đường độc đạo vòng vèo uốn lượn, chạy theo lưng chừng núi, hai bên đường rợp bóng cây. Tiếng chim hót, tiếng những con thú kêu, tạo nên những âm thanh đặc sắc của núi rừng. Những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm kéo dài đến tận mặt nước biển. Đường lên đỉnh núi quanh co uốn lượn là một hành trình có thể trải nghiệm nhiều cảnh quan tươi đẹp và thơ mộng của bán đảo Sơn Trà.
Một góc hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà
Đến với bán đảo Sơn Trà, du khách không thể bỏ qua một điểm đặc biệt, đó là Chùa Linh Ứng, ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất của Đà Nẵng. Nằm ở độ cao 693m so với mực nước biển, chùa được xem như là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho thành phố Đà Nẵng. Tới đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng Phật Quán Thế Âm cao nhất Việt Nam (cao 67m).
Và còn nhiều nhiều địa điểm hấp dẫn khác Bãi Tiên Sa, Bãi Đá Đen, Mũi Nghê… với những đặc điểm riêng có, đã tạo một sức hấp dẫn rất thú vị và những trải nghiệm độc đáo khó quên cho du khách mỗi khi đến với bán đảo Sơn Trà.
Một góc hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà
Từ bán đảo Sơn Trà có thể phóng tầm mắt quan sát toàn bộ quân cảng Vùng 3 Hải quân - nơi neo đậu tàu chiến, tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà là hệ thống radar của quân đội và ngành hàng không với khả năng bao quát vùng trời và biển Đông.
Hiện phía Tây bán đảo là cảng hàng hóa kết hợp du lịch Tiên Sa. Đây là cảng nước sâu quan trọng nhất miền Trung, là điểm cuối của hành lang kinh tế Đông Tây xuất phát từ Myanmar, qua Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và kết thúc tại Đà Nẵng.
Chuyện gì đang diễn ra trên bán đảo Sơn Trà?
Thực tế cho thấy, rừng trên bán đảo Sơn Trà đang bị xâm hại nghiêm trọng. Việc giao đất, cho thuê đất đối với nhiều dự án trong thời gian qua chưa được minh bạch, công khai. Công tác quản lý và gìn giữ "lá phổi xanh" còn nhiều lỏng lẻo. Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Sơn Trà cũng còn những suy nghĩ, ý kiến trái chiều.
Một góc hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà
Hiện nay, trên bán đảo Sơn Trà có nhiều dự án được UBND thành phố Đà Nẵng cấp đất, giao đất với tổng diện tích rất lớn. Nhiều dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, đơn cử như dự án InterContinental Danang của tập đoàn Sun Gruop. Đây là khu nghỉ dưỡng với 197 phòng, bao gồm các khối nhà thấp tầng và biệt thự sang trọng, những khu vui chơi bậc nhất toạ lạc gần đỉnh núi, trên khuôn viên đất gần 25.000 ha.
Bên cạnh đó cũng có nhiều dự án "treo dài hạn", những dự án này được cấp phép đầu tư, xây dựng và hoàn tất việc giao đất hơn 10 năm về trước. Phần lớn các chủ đầu tư đều “án binh bất động” hoặc triển khai dự án nhỏ giọt, chờ cơ hội chuyển nhượng kiếm lời.
Đầu tiên phải kể đến dự án Khu du lịch Bãi Bụt do Công ty Cổ phần Hải Duy làm chủ đầu tư. Chiếm gần 30ha đất ngay vị trí đắc địa ở bán đảo Sơn Trà, dự án này được thành phố giao đất từ năm 2004 với hy vọng đánh thức tiềm năng du lịch nơi đây.
Một góc hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà
Thế nhưng cho đến nay, ngoài bức tường rào cũ kỹ, 1 biệt thự mẫu mới hoàn thành phần xây thô thì dự án chìm trong cảnh hoang vu. Tiếp đó, hàng chục ngôi biệt thự đã hoàn thiện phần thô, bỏ hoang, cỏ cây phủ kín khu đất của dự án "Sơn Trà Resort & Spa" do Công ty cổ phần Sơn Trà làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, dọc tuyến này còn đến nhiều dự án khu du lịch sinh thái khác có quy mô lớn cũng đang “nằm dài” giữa rừng núi Sơn Trà.
Đầu năm 2017, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa đưa máy móc vào san ủi, xẻ núi đổ bê tông thi công 40 khối móng biệt thự khi chưa có giấy phép xây dựng, khiến dư luận dậy sóng. Việc chiếm dụng đất, xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà cũng là vấn đề gây nhiều bức xúc kéo dài nhiều năm qua. Nhiều hộ được giao đất giao rừng theo hình thức thuê đất 50 năm ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã nhanh chóng cho người khác thuê lại mở quán nhậu, kinh doanh tràn lan, xây dựng một số công trình nhà bê tông kiên cố.
Trong khi rừng Sơn Trà bị xâm hại bằng nhiều cách khác nhau thì các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều lúng túng, không thông tin kịp thời, chính xác trước công luận. Hình ảnh một vùng đồi trọc nham nhở hiện nay của Sơn Trà là một ví dụ. Không một du khách nào muốn đến với hình ảnh Sơn Trà như thế.
Một góc hoang sơ trên bán đảo Sơn Trà
Hơn nữa, với những dự án lớn, siêu nghỉ dưỡng ở đây chỉ dành phục vụ cho một nhóm đối tượng có mức thu nhập cao. Trong khi đó, người dân địa phương hay đại đa số khách du lịch sẽ không tận hưởng được những tiện ích này. Nếu lựa chọn Sơn Trà trở thành khu du lịch cấp quốc gia dựa trên du lịch sinh thái thì phải chấp nhận rằng nó sẽ không mang lại lợi ích như một khu kinh tế. Thế nhưng, con người đang tham lam khi mong muốn, Sơn Trà vừa có cả thiên nhiên, có cả kinh tế, điều này rất khó có thể xảy ra. Vậy nên, nếu muốn giữ Sơn Trà, hãy ngừng bê tông hóa và trả lại vẻ hoang sơ vốn có của nó ngay từ bây giờ.
VĂN DŨNG
Theo Nhà Đầu Tư