Sự kiện hot
13 năm trước

Sống khỏe nhờ... bám chợ

Trong khi nhiều doanh nghiệp chưa biết cách khai thác có hiệu quả kênh phân phối thông qua chợ truyền thống thì lại có không ít sản phẩm của cơ sở sản xuất, nhãn hàng trong nước sống khỏe.

Trong khi nhiều doanh nghiệp chưa biết cách khai thác có hiệu quả kênh phân phối thông qua chợ truyền thống thì lại có không ít sản phẩm của cơ sở sản xuất, nhãn hàng trong nước sống khỏe.

Không những thế, thương hiệu sản phẩm đã được phát triển từ đây.

Người tiêu dùng chọn mua quần áo nhãn hiệu Minh Anh tại chợ Tân Bình - Ảnh: D.Tuấn

Tại các chợ lớn ở TP.HCM như: An Đông (Q.5), Tân Bình (Q.Tân Bình), Bình Tây (Q.6)... những cái tên như thời trang Mỹ Lệ, Việt Tuấn, quần áo trẻ em Minh Anh, Anh Thư, mứt kẹo Ái Liên không còn xa lạ với nhiều tiểu thương, các sản phẩm được đóng gói sẵn để chuẩn bị đưa đi các chợ truyền thống trên khắp cả nước.

Đi khắp nơi

Khảo sát mặt hàng quần áo thời trang tại chợ Tân Bình cho thấy mỗi sạp đều kết nối với một hoặc vài ba hộ sản xuất để làm kênh phân phối hàng hóa chính.

Tại sạp Minh Phương ở chợ Tân Bình phần lớn là hàng sản xuất của các cơ sở may mặc, người mua có thể dễ dàng tìm kiếm những mặt hàng quần áo trẻ em mang nhãn hiệu Minh Anh và Anh Thư. Chủ sạp cho biết hằng ngày tại đây có cả chục kiện hàng được tiểu thương các tỉnh đặt mua.

Theo chủ sạp, mẫu mã thiết kế bắt mắt, chất lượng tốt và quan trọng nhất là giá thành rẻ... - lý do để mặt hàng thời trang này hấp dẫn thị trường các tỉnh. “Chỉ cần đặt hàng, thanh toán tiền gối đầu cho sạp là hàng có thể được chuyển đi ngay” - chủ sạp này cho biết.

Tương tự tại sạp của chị Mai trong khu vực quần áo may sẵn ở chợ Tân Bình, các mặt hàng quần áo mang nhãn hiệu An An, Ana Kid chất từng kiện cao để chuẩn bị xuất đi các tỉnh miền Tây.

Theo chị Mai, chị biết đến nhãn hiệu thời trang Ana Kid cách đây hơn một năm. Sau khi nhập thử một số mẫu về bán, thấy khách hàng tại chợ khá ưa chuộng, các chủ mối tại các tỉnh cũng thường xuyên liên hệ đặt hàng nên chị đã trực tiếp làm việc với đầu mối tại Hà Nội, cứ thế “chỉ cần đặt mẫu, vài ngày sau là có hàng để bán” - chị Mai nói.

Với hình thức kinh doanh như vậy, rất nhiều nhãn hiệu thời trang bình dân đang sống rất khỏe nhờ tìm đường vào chợ.

Bám chợ mấy chục năm, thương hiệu bánh mứt kẹo Ái Liên ở chợ Bình Tây cũng nhờ kênh phân phối này để có mặt khắp cả nước. Bà Liên, tiểu thương kinh doanh ngành hàng mứt bánh kẹo ở chợ, cho biết sau những vụ lùm xùm về chất lượng hàng Trung Quốc, các thương hiệu mứt bánh kẹo trong nước có giá hơn.

Hằng tháng, thương lái tỉnh đều lên đóng hàng phân phối từ Bắc đến Nam nên thương hiệu nhanh chóng đi xa. Đặc biệt trong các mùa tết nguyên đán, tết trung thu đơn hàng đóng đi tỉnh luôn bị quá tải.

Hiểu chợ mới bán được

Ông Tăng Quan Trọng, giám đốc bán hàng Công ty nhựa Đại Đồng Tiến, cho biết theo sự phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp, các doanh nghiệp VN hiện nay đầu tư khá mạnh vào phát triển nhà phân phối, đại lý, nhân viên bán hàng khu vực tại các tỉnh để giảm dần sự phụ thuộc vào kênh phân phối chợ đầu mối.

Tuy nhiên, thực tế chợ vẫn là kênh bán hàng quan trọng, chiếm doanh số cao đối với nhiều ngành hàng, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ. Xây dựng thương hiệu từ chợ, chủ sạp thời trang Mỹ Lệ tại chợ An Đông cho biết mặc dù hiện nay đã đưa hàng vào hệ thống Co.opMart và Vinatex nhưng kênh phân phối chợ mới là chỗ dựa của sạp. Toàn bộ hàng tại sạp do cơ sở may mặc của gia đình tự lên, tự thiết kế, chủ yếu là mặt hàng áo thun thời trang dành cho trung niên và thanh niên.

Ban đầu sạp cũng gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu nhưng nhờ giữ uy tín, mẫu mã cải thiện, đặc biệt cam kết chất lượng ổn định, hàng của sạp đã đi khắp nơi. Với giá 150.000-170.000 đồng/chiếc, thậm chí có thể lên đến 200.000 đồng/chiếc nhưng hằng tháng một lượng hàng lớn vẫn được vận chuyển đi khắp các tỉnh từ Hà Nội đến Cà Mau.

“Từ nhiều năm nay tôi đã đi đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu, logo liên quan đến việc bảo vệ nhãn hiệu độc quyền để tránh bị hàng gian, hàng nhái. Nhờ đó khách hàng nhận biết được thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường” - chủ sạp Mỹ Lệ chia sẻ.

Bà Thái, chủ một sạp chuyên bán các loại quần áo trẻ em tại chợ Tân Bình, phân tích các nhãn hiệu thời trang lớn thường khó vào chợ, chủ yếu do phương thức thanh toán không được linh động.

Các nhãn hiệu thời trang thường cho phép gối đầu tiền hàng không nhiều lại phải qua vài đầu mối bán hàng mới tới được chợ, vì vậy giá thành thường quá cao. Ngược lại, những nhãn hiệu thời trang vừa và nhỏ chủ yếu là các hộ kinh doanh gia đình tự sản xuất rồi đem bỏ mối thẳng tới chợ, không qua các khâu trung gian nên giá thành rẻ, phương thức thanh toán linh hoạt được các tiểu thương chấp nhận.

Ông Tăng Quan Trọng cho biết chợ vẫn là nơi nhiều người tiêu dùng chọn mua sắm, nên để phát huy hết công suất công ty chọn phương án cử đội ngũ nhân viên bán hàng vào tận các chợ, tiếp xúc trực tiếp với tiểu thương thay cho thông qua nhà phân phối.

Kênh phân phối hiệu quả của hàng Việt

Theo thống kê của Bộ Công thương, cả nước hiện có gần 9.000 chợ truyền thống và 80% lưu lượng hàng hóa được luân chuyển qua kênh phân phối này, đây là kênh phân phối hiệu quả của hàng Việt. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp có thương hiệu vẫn thờ ơ hoặc không mặn mà với kênh phân phối chợ vì e ngại sẽ đánh mất thương hiệu và dễ bị làm giả, trong khi nhiều hộ sản xuất gia đình tận dụng rất tốt lượng khách hàng ở đây.

Như Bình - Dũng Tuấn
Theo Tuoi tre

Từ khóa: