Sự kiện hot
8 năm trước

Sốt đất tại TP HCM hạ nhiệt, nhiều người lo đến 'mất ăn mất ngủ'

Sau cơn sốt đất tại TP HCM diễn ra trong mấy tháng trở lại đây, hiện giao dịch trên thị trường đất nền ở một số quận, huyện vùng ven đã chững lại. Những người mới mua cách đây vài tháng đang khó khăn để thoát hàng.

Trong cơn sốt đất tại TP HCM trong thời gian gần đây, quận 9 được xem là điểm nóng cả về mức độ tăng giá cũng như tần suất chạm mặt với cò đất. Dọc theo trục đường Nguyễn Duy Trinh, Đỗ Xuân Hợp, Liên Phường, Bưng Ông Thoàn, Lã Xuân Oai, Đông Tăng Long… đâu đâu cũng thấy môi giới nhà đất.

Giờ đây số lượng người tham gia vào cơn sốt giá này, bao gồm cả cò đất và khách hàng, đều giảm nhiệt. Nếu trước đây, cứ vài chục mét lại có một nhóm người đứng chào hàng, giới thiệu khu đất này, miếng đất kia thì nay cò đất thưa thớt hẳn.

Đơn cử như giá đất tại dự án gồm khoảng hơn 40 nền, nằm ngay trên trục đường Liên Phường, đoạn cách đường Vành đai 2 chỉ 500 m, xung quanh gần rất nhiều dự án nhà phố, biệt thự như Villa Park, Lucasta, Mega Ruby, Mega Residence… cách đây chừng hai tháng được cò đất hét với giá 57 triệu đồng/m2. Nhưng cũng tại vị trí này, trong ngày 24-5 đã giảm nhẹ xuống còn 56 triệu đồng/m2 đối với các lô mặt tiền.

Tương tự những lô đất trong khu vực đường Bưng Ông Thoàn, cùng thời điểm tháng trước được nhân viên môi giới chào bán với giá khoảng 30 triệu đồng/m2 chưa ra sổ thì nay hạ xuống khoảng 28,5-29 triệu đồng/m2.

Anh Tấn, một nhân viên môi giới, cho biết: Các giao dịch đã chững lại rất nhiều. Những người mua cách đây chừng 8-9 tháng thì vẫn có lời song những ai đầu tư theo kiểu lướt sóng, mua cách đây khoảng hai tháng mà giờ muốn bán cũng không dễ. Bởi tâm lý khách hàng giờ đây lại chờ đợi giá sẽ giảm nữa.

Ông Trần Bình, nhà ở quận 2, một nhà đầu tư bất động sản (BĐS), cho rằng: Đầu tư BĐS không giống như vàng hay đôla, cứ muốn bán là có người mua ngay. Nếu đầu tư theo kiểu tâm lý đám đông thì rất dễ “chết”, nhưng nếu lựa chọn lô đất tại những nơi có kết nối hạ tầng phát triển, có nhiều dự án lớn xung quanh… thì vẫn có cơ hội để gia tăng giá trị.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư BĐS Việt An Hòa, giá đất thời gian qua tăng quá cao nên xảy ra thực trạng cứ có người hỏi mua là cò đất lại đẩy giá lên. Nhưng một vài ngày trở lại đây, tình trạng giao dịch đối với phân khúc đất nền tại một số khu vực Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh đã chậm lại.

Những người có đất muốn bán giá cao hơn, còn người mua thì lại muốn hạ thấp hơn chút nữa. Trong thời điểm này, chỉ có những ai cần bán gấp thì mới chấp nhận giảm giá chút đỉnh để giao dịch cho nhanh.

"Thực tế giá có giảm nhưng việc giảm giá này mang tính kỹ thuật là chủ yếu, chứ hoàn toàn không có chuyện chỉ trong một vài ngày mà giá BĐS đã rớt đến 50%" - ông Quang nói.

Sau một thời gian sốt đất, tình hình giao dịch đất nền tại quận 9, TP.HCM đã chững lại. Ảnh: THÙY LINH.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cũng đánh giá hoạt động của giới đầu nậu, cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sốt giá ảo đất nền và phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi trong cơn sốt giá ảo đất nền hiện nay nhưng hiện nay không quản lý được.

“Những người này đang hoạt động với tư cách cá nhân, không đăng ký kinh doanh, thậm chí còn núp bóng người chủ đất hoặc núp bóng doanh nghiệp để kinh doanh BĐS với nhiều thủ đoạn tinh vi để trốn, né thuế. Trong khi theo Luật Kinh doanh BĐS thì hoạt động mua bán đất nền cũng là hoạt động kinh doanh BĐS phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn pháp định” - HoREA nhấn mạnh.

Trước thông tin sốt giá đất nền, Thành ủy TP.HCM mới đây cũng đã triệu tập cuộc họp mổ xẻ tình hình và đề ra các giải pháp chấn chỉnh. Trong đó có việc yêu cầu công an vào cuộc điều tra cơn sốt đất nền và sẽ xử lý hình sự cò đất lừa đảo, thổi giá đất.

UBND TP cũng cho biết đối chiếu các tiêu chí thì huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn chưa đáp ứng đủ để thành quận.

Thuỳ Linh
Theo Pháp Luật TP HCM

Từ khóa: