SSI cho biết trong tuần trước, NHNN đã bơm ròng khoảng 37.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở và thanh khoản hệ thống sẽ được hỗ trợ bởi 45.000 tín phiếu đáo hạn trong tuần này.
Lãi suất liên ngân hàng khó hạ nhiệt
Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 3/10-7/10, Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tuần đã tạo ra nhiều bất ngờ trên thị trường.
Thanh khoản trên hệ thống gặp nhiều áp lực trong đầu tuần, khi các yếu tố về mặt trung hạn (chênh lệch âm kéo dài giữa huy động – tín dụng trong hệ thống tạo áp lực lên khả năng sử dụng nguồn huy động vốn của ngân hàng) và ngắn hạn (một số thành viên lớn trên thị trường không tham gia giao dịch trong hai ngày đầu tuần) kết hợp đồng thời.
Lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần bật lên vượt 10% - mức cao nhất kể từ năm 2012 và gần như ngay lập tức, NHNN đã hỗ trợ thị trường thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn, với khối lượng đạt 35.000 tỷ đồng trong 3 ngày đầu tuần.
NHNN tiếp tục sử dụng cơ chế đấu thầu lãi suất và lãi suất OMO dao động ở 6,3% - 6,9% cho kỳ hạn 7 ngày. Nhờ vậy, lãi suất liên ngân hàng nhờ vậy đã hạ nhiệt về cuối tuần. Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm là 6,6% (tăng 1,63 điểm %) và kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng dao động quanh mức 6,8-7,9% (tăng 1,3 điểm %).
Trong tuần trước, NHNN đã bơm ròng khoảng 37.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở. Trong tuần này, thanh khoản hệ thống sẽ được hỗ trợ bởi 45.000 tín phiếu đáo hạn, tuy nhiên sự kiện về ngân hàng SCB vừa qua sẽ phần nào tác động tới thanh khoản nói chung và do vậy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có thể hạ nhiệt.
Ngoài ra, một số ngân hàng tham gia cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp bổ sung thêm hạn mức tín dụng với tổng giá trị ước tính là hơn 80.000 tỷ đồng.
Như vậy, khi tính đến dư nợ tín dụng mới tăng thêm này, tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 ước tính đạt 14% so với cuối 2021 - tương đương với hạn mức NHNN đưa ra đầu năm.
Tính đến hiện tại, tín dụng đã tăng 10,96% so với cuối năm ngoái và sẽ có khoảng 317.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ trong giai đoạn còn lại của năm. Áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động và cho vay còn khá cao trong giai đoạn còn lại của năm, khi chênh lệch huy động vốn – tín dụng âm hơn 200.000 tỷ đồng.
NHNN điều chỉnh tỷ giá bán tại Sở Giao dịch
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tiếp tục duy trì ở mức trên VND 24.000, và tỷ giá liên ngân hàng cũng tiến sát mức tỷ giá bán tại Sở Giao dịch NHNN sau động thái của NHNN tăng giá bán tại Sở Giao dịch.
Một số yếu tố hỗ trợ tỷ giá trong ngắn hạn là cung-cầu ngoại tệ trên thị trường có phần nào cải thiện khi cán cân thương mại tháng 9 tiếp tục ghi nhận thặng dư khoảng 1,4 tỷ USD. Bên cạnh đó, chênh lệch dương nới rộng giữa lãi suất VND – USD cũng phần giúp hạn chế xu hướng dòng tiền rút ra khỏi Việt Nam. So với cuối năm 2021, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đã tăng 4,8%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 4,6%.
Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh