Sự kiện hot
3 năm trước

SSI: Các ngân hàng có thể được nới room tín dụng vào cuối quý III năm nay

NHNN nhấn mạnh sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý hơn và theo SSI Research dự báo có thể vào cuối quý III/2022.

Các ngân hàng có thể được nới room vào cuối quý III

Thông qua buổi họp về kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  cho biết tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021, tương đương với mức tăng 17,1% so với cùng kỳ, tính đến ngày 9/6/2022.

Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ này cao hơn nhiều so mức trung bình 12 - 14% được duy trì kể từ năm 2018 và NHNN cũng thể hiện thái độ có phần thận trong hơn trong điều hành chính sách tiền tệ khi rủi ro cho nền kinh tế vẫn còn lớn trong thời gian sắp tới.

Do vậy, NHNN nhấn mạnh sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng vào thời điểm hợp lý hơn (có thể vào cuối quý III/2022 như SSI kỳ vọng) và mức điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng. Nhờ vậy, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ không còn gặp nhiều áp lực tăng như trong thời gian gần đây.

 Nguồn: SSI.

Áp lực giảm giá của VND tương đối rõ ràng

Trên thị trường ngoại hối, diễn biến của VND trong tuần qua tương đồng với các đồng tiền trong khu vực dưới áp lực của việc Fed tăng lãi suất.

Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,23% và tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 80 đồng, kết tuần ở mức VND 23.080-23.380. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh 130 đồng, và hiện giao dịch ở 23.900-23.940.

Chuyên gia cho rằng áp lực giảm giá của VND vẫn tương đối rõ ràng trong bối cảnh đồng USD tăng giá, và NHNN vẫn duy trì quan điểm về chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế hau COVID-19. Do vậy, NHNN đã liên tục chủ động thực hiện nghiệp vụ bán ngoại tệ nhằm hỗ trợ nhu cầu USD từ thị trường, thông qua hợp đồng bán USD kỳ hạn ba tháng.

Điểm tích cực là trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, Viêt Nam đã được Bộ Tài chính Mỹ ghi nhận những bước tiến tích cực trong công tác điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá.

Theo đó, trong kỳ soát xét này, Việt Nam chỉ vi phạm 1 tiêu chí (so với việc vi phạm cả 3 tiêu chí trong báo cáo trước đó) và hiện nằm trong danh sách giám sát, nhưng không còn bị phân tích nâng cao.

Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Từ khóa: