Sự kiện hot
3 năm trước

Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư bất động sản theo hướng lành mạnh hơn

Trong bối cảnh hiện nay với hơn 60% nguồn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản vẫn được huy động từ ngân hàng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thu hút vốn cho bất động sản vẫn còn nhiều dư địa phát triển, bao gồm cả phát hành trái phiếu bất động sản và thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này trong thời gian tới. Đáng chú ý là sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn.

Vốn cho bất động sản vẫn phụ thuộc ngân hàng

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây cho thấy, đến thời điểm hiện tại dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.

su dich chuyen dong von dau tu bds theo huong lanh manh hon
Theo các chuyên gia, nguồn vốn vào bất động sản hiện nay vẫn còn "nghèo nàn"

Tính đến 30/6/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà đạt 145.099 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo Bộ Xây dựng, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản đã giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019; trong quý I/2020 giảm còn 6,3%; quý II/2020 tăng nhẹ lên 6,48%; đến quý III/2020 dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 6,3% đến 7%, nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.

Tại Hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững... tầm nhìn đến năm 2045" được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. “Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn”, ông Sinh nói.

Đáng chú ý, theo ông Sinh, dòng vốn cho lĩnh vực bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu vẫn dựa trên nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện huy động vốn một cách phù hợp thông qua các sàn giao dịch chứng khoán, sàn phát hành trái phiếu…

Đa dạng hóa nguồn tín dụng

Tại Tọa đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản năm 2021: Dự báo xu hướng & Cơ hội đầu tư” diễn ra tại Hà Nội vừa qua, trả lời câu hỏi tại sao ngân hàng cần tăng trưởng tín dụng, mà thị trường bất động sản vẫn thiếu vốn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phân tích, thực ra, đến nay có nhiều dòng vốn khác nhau đổ vào bất động sản, bao gồm vốn vay ngân hàng, vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn phát hành trái phiếu - cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết.

Riêng kênh tín dụng ngân hàng, cho vay bất động sản vẫn tăng trưởng trong 3 năm trở lại đây, trung bình khoảng 7 - 8%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung khoảng 13 - 14%, có nghĩa là không hoàn toàn đóng băng mà đang có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư theo hướng lành mạnh hơn.

Thêm nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng có nhiều khó khăn, cùng với việc thiếu phương án kinh doanh khả thi nên khó đáp ứng điều kiện tín dụng, trong khi ngân hàng không thể hạ chuẩn cho vay vì rủi ro cho cả hai bên. Tuy nhiên, phân khúc cho vay bất động sản công nghiệp, bất động sản nhà ở vẫn đang tăng trưởng rất tốt.

“Hiện nay, tổng dư nợ cho vay bất động sản của toàn bộ nền kinh tế khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 14% tổng dư nợ nền kinh tế; trong đó, 63% là cho vay bất động sản nhà ở, còn lại là cho vay kinh doanh bất động sản”, ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, với quy mô không hề nhỏ, việc thu hút vốn cho bất động sản vẫn còn nhiều dư địa phát triển, bao gồm cả phát hành trái phiếu bất động sản và thu hút vốn FDI vào lĩnh vực này trong thời gian tới.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng bắt đầu đẩy mạnh huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu. Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán từng cho rằng, chênh lệch lãi suất vay ngân hàng và lãi suất trái phiếu dù có cao cũng không đáng quan ngại.

Tuy nhiên, theo ông Lê Nhị Năng, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, với Nghị định 81, các doanh nghiệp bất động sản sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn từ trái phiếu, điều này sẽ đẩy các doanh nghiệp quay trở lại kênh tín dụng, phát hành hoặc M&A.

Ngoài kênh phát hành trái phiếu, dòng vốn FDI vào bất động sản cũng đang có xu hướng tăng. Đánh giá của Bộ Xây dựng mới đây cho thấy, mặc dù thị trường bất động sản chịu tác động kép của dịch Covid-19 đợt 2 nhưng thị trường vẫn có phản ứng tích cực thể hiện qua số liệu về tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng mạnh 400% so với quý II/2020.

Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tăng dần theo quý từ 0,264 tỷ USD trong quý I/2020 lên 0,536 tỷ USD (quý II/2020) và 2,35 tỷ USD trong quý III/2020.

Các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung.

Thái Hoàng
Theo Thời báo Ngân hàng

Từ khóa: