|
Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh trao giải thưởng cho các doanh nhân vi mô tiêu biểu |
Những đóng góp tích cực
Gần 3 thập kỷ qua, hoạt động tài chính vi mô (TCVM) không ngừng đổi mới, phát triển cả về quy mô, sự đa dạng, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của đất nước. Trong thành tích xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam những năm qua có phần đóng góp quan trọng của TCVM. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7%, an sinh xã hội được cải thiện, thu nhập hộ gia đình được nâng lên, cùng với đó là những cải thiện sức khỏe, giáo dục… Đây là một số kết quả được đưa ra tại Tọa đàm “Tài chính vi mô trong phát triển tài chính toàn diện” do NHNN phối hợp với Trung tâm tư vấn nguồn lực tài chính vi mô DNNVV tổ chức ngày 12/12/2018.
Theo chia sẻ của các đại diện tham gia tọa đàm, các tổ chức TCVM (dù chính thức hay bán chính thức) và các chương trình, dự án về TCVM đều ghi nhận những thành công, hỗ trợ được rất nhiều cho các đối tượng nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đơn cử với tổ chức TCVM Tình thương (TYM), bà Dương Thị Ngọc Linh - Tổng Giám đốc cho biết, kể từ khi được cấp phép hoạt động chính thức năm 2010 đến nay, quy mô hoạt động của TYM được mở rộng, nguồn vốn chủ động hơn và gia tăng nhanh chóng, quy mô thành viên của TYM đã lên tới 160 nghìn thành viên, trong đó gần 100 nghìn thành viên đã được giáo dục về tài chính, quản lý dòng tiền, lập kế hoạch kinh doanh.
Một tổ chức TCVM bán chính thức đang hoạt động hiện nay là Quỹ MOM. Tính đến 31/10/2018, quỹ này đã có hoạt động trên toàn địa bàn tỉnh Tiền Giang với trên 43 nghìn thành viên vay vốn với dư nợ vay gần 270 tỷ đồng và số dư tiết kiệm trên 118 tỷ đồng. Quỹ MOM cũng đã mở nhiều lớp tập huấn miễn phí cho nhiều nghìn lượt khách hàng thành viên về giáo dục tài chính, quản lý chi tiêu hộ gia đình, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Có được những kết quả như trên, bên cạnh những nỗ lực tự thân của các tổ chức TCVM thì sự đồng hành hỗ trợ Chính phủ, NHNN thông qua các văn bản như: Quyết định 2195/QĐ-TTg ngày 6/12/2011 về “Xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của chương trình, dự án TCVM của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ; Thông tư 03/2018/TT-NHNN về việc cấp giấy phép, tổ chức, hoạt động của tổ chức TCVM… Điều đó cho thấy sự đặc biệt quan tâm của nhà nước đến hoạt động và sự phát triển của TCVM.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết:
Trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, TCVM đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo.
|
Cần hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong hơn 2 thập kỷ qua, cùng với tiến trình đổi mới, TCVM đã khẳng định được sự cần thiết và vai trò quan trọng của mình trong việc hỗ trợ người nghèo, người thu nhập thấp được tiếp cận dịch vụ tài chính và đây được xem là công cụ hữu hiệu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo. Đối tượng khách hàng của TCVM chủ yếu là người nghèo, cận nghèo, hộ gia đình thu nhập thấp, nông dân, người dân ở vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế khác.
Do vậy, thúc đẩy sự phát triển của TCVM có ý nghĩa kinh tế, chính trị, an sinh xã hội rất lớn thông qua việc mở rộng cánh cửa tiếp cận dịch vụ tài chính và tín dụng cho người nghèo, người yếu thế, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Sự phát triển của TCVM cũng hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền đã đóng góp một phần không nhỏ vào tiến trình chung về phát triển tài chính toàn diện của quốc gia. TCVM và tài chính toàn diện đều đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường năng lực, tiếp cận tài chính và phát triển các chính sách bảo vệ khách hàng, qua đó cải thiện điều kiện sống và loại bỏ những hạn chế mà hộ gia đình nghèo, yếu thế đang phải đối mặt.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, từ sự cần thiết, khách quan là hoạt động của TCVM đã và đang phát triển tại khắp mọi vùng miền của đất nước với nhiều loại hình (từ các tổ chức chính thức, bán chính thức tới các chương trình, dự án về TCVM) và hiệu quả mang lại bước đầu qua các đánh giá cho thấy, đây rõ ràng là một loại hình trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam và sự tất yếu ấy đòi hỏi phải có được một cấp độ nhìn nhận, đánh giá và tổ chức quản lý hoạt động cần được đặt ra. Nhất là với thực tế hiện nay, khi số lượng các tổ chức TCVM chính thức mới có rất ít (4 tổ chức), năng lực của các tổ chức TCVM (nhất là về nguồn vốn) còn hạn hẹp, trong khi mô hình hoạt động, quy mô hoạt động và năng lực quản trị còn cần nhiều cải thiện. Đặc biệt, hành lang pháp lý cần hoàn thiện hơn nữa để tạo điều kiện cho các tổ chức TCVM hoạt động đúng tôn chỉ, mục tiêu.
Để xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức TCVM an toàn, bền vững, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển tài chính toàn diện, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững thì vấn đề đặt ra hiện nay là cần xây dựng được một hành lang pháp lý, một cơ chế chính sách rõ ràng, đầy đủ cho hoạt động của các tổ chức TCVM trong thời gian tới. Trên tinh thần đó, Phó Thống đốc thông tin trong năm 2019, TCVM được coi là một trong những trọng tâm trong hoạt động tăng cường quản lý với vai trò quản lý chuyên ngành của NHNN và tăng cường quản lý với vai trò quản lý Nhà nước của các chính quyền địa phương cũng như của các bộ, ngành khác, cùng với đó là các cơ chế chính sách để hỗ trợ TCVM phát triển theo mục tiêu, tôn chỉ hoạt động và trong khuôn khổ pháp luật cũng như trong điều kiện và hoạt động sắp xếp hệ thống các tổ chức tín dụng một cách hợp lý.
Ngay sau buổi Tọa đàm đã diễn ra Lễ trao giải thưởng doanh nhân vi mô tiêu biểu Citi-Việt Nam (CMA) 2018. Đây là chương trình có ý nghĩa xã hội sâu sắc, giúp vinh danh những tấm gương điển hình là những người nghèo đã sử dụng vốn vay vi mô hiệu quả để vươn lên và đạt được những thành công trong cuộc sống, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình thành công của mình trong sản xuất kinh doanh cho cộng đồng. |