Một số ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng là “dẹp ngân hàng nhỏ” hoặc “sáp nhập ngân hàng yếu để tăng chất lượng hoạt động”. Nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đó là sự nhầm lẫn rất lớn.
Một số ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng là “dẹp ngân hàng nhỏ” hoặc “sáp nhập ngân hàng yếu để tăng chất lượng hoạt động”. Nhưng theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đó là sự nhầm lẫn rất lớn.
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công, cần đi từ xử lý nợ xấu, cải tổ tổ chức, hoạt động đến nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát - Minh họa: Khều.
Dọn dẹp bảng cân đối tài sản
Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, trọng tâm đầu tiên là xử lý toàn bộ nợ xấu để làm sạch bảng cân đối tài sản của các ngân hàng thương mại. Và, để tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thành công, cần đi từ xử lý nợ xấu, cải tổ tổ chức, hoạt động đến nâng cao hiệu quả hệ thống giám sát.
Theo ông, hiện nay, con số nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra khoảng 75 nghìn tỷ đồng, chưa kể số nợ của một tập đoàn lớn gây ầm ĩ thời gian qua, nhưng nếu hạch toán đầy đủ thì con số này phải trên 100 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn) chiếm tới 47% và nếu thanh tra toàn diện và hạch toán đúng thì còn một tỷ lệ rất lớn nợ nhóm 5 đang ẩn trong nợ nhóm 4.
Trước đây ít lâu, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, quy mô tín dụng ở mức gấp 1,2 lần so với GDP, tức tương đương 2,3 triệu tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nói trên vẫn trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước so với quy định là 5%/tổng dư nợ.
Điều đó nói lên rằng, khi quy mô tín dụng mở rộng thì bắt buộc nợ xấu phải tăng theo, bởi, đã kinh doanh ngân hàng thì phải chấp nhận nợ xấu ở một chừng mực nào đó; còn nếu triệt tiêu nợ xấu bằng không thì ngân hàng sẽ… dẹp tiệm!
Và như vậy, khi tái cơ cấu thì phải xóa nợ, bởi đã mất vốn rồi thì không thể để trong sổ sách mãi được. Cũng giống như A vay nợ B 100 triệu đồng nhưng A làm mất vốn thì hai bên phải ngồi lại với nhau để xử lý xong số nợ đó dù với bất kỳ phương cách nào. Kể cả phải đưa số nợ xấu đó ra ngoại bảng cũng phải làm vì trước hết, để lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản, sau đó tiếp tục thu hồi được đồng nào tốt đồng đó và xa hơn là bắt đầu một quá trình làm ăn mới.
Một câu hỏi đặt ra là lấy tiền đâu để làm sạch bảng cân đối tài sản? Ông Nghĩa cho rằng, phải lấy từ ba nguồn. Nguồn thứ nhất lấy từ trích lập dự phòng rủi ro của hệ thống ngân hàng thương mại. Hiện tại, nguồn này của toàn hệ thống ước tính trên 20 nghìn tỷ đồng và được coi đóng vai trò chủ chốt so với các nguồn khác.
Nguồn thứ hai là các ông chủ nhà băng phải tăng vốn, góp thêm tiền để xử lý nợ xấu. “Nhà nước phải bắt buộc các ông chủ nhà băng đóng thêm tiền để tái cấu trúc ngân hàng mình. Họ phải cơ cấu lại danh mục tài sản và bù đắp vào những tổn thất rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, chứ không thể lấy ngân sách để xử lý”, ông Nghĩa nói.
Nguồn thứ ba, đối với một số đơn vị, nhất là đơn vị có sở hữu nhà nước thì nhà nước nước phải bỏ tiền ra.
Ở đợt tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại giai đoạn 2001 - 2005, nguồn trích lập dự phòng rủi ro rất thấp, các ông chủ nhà băng cũng không nhiều tiền, vì thế, ngân sách phải bỏ ra là chủ yếu. Cũng may là thời điểm đó lạm phát thấp nên nhà nước đã phát hành các công cụ trái phiếu, tín phiếu đặc biệt để xử lý.
Nhưng nay, lạm phát rất cao thì biện pháp này không khả thi; bởi nếu không, lạm phát sẽ phi mã khủng khiếp, gây áp lực lên bình ổn kinh tế vĩ mô và làm tổn thương đến đời sống người dân, nhất là đối với những người thu nhập thấp.
Hai vấn đề còn lại
Một nội dung tiếp theo của tái cơ cấu ngân hàng là tái cơ cấu tổ chức, hoạt động của hệ thống ngân hàng; đồng thời nâng cao vai trò của hệ thống giám sát trong và sau quá trình tái cơ cấu.
Theo đó, một là, phải rà soát lại số lượng các tổ chức tín dụng, số lượng các chi nhánh, phòng giao dịch từng đơn vị theo hướng tinh gọn nhằm mục đích giảm chi phí hoạt động, giảm sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Hiện có một số đơn vị yếu thanh khoản đang gặp rất nhiều khó khăn do khó vay tái cấp vốn ở Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng lớn lại đang rà soát và giảm hạn mức cho vay lại đối với họ, trong khi nếu “liều mạng” vay của dân trên 14%/năm, sẽ bị xử lý kỷ luật. Bởi thế, nhóm này phải chịu đựng mức lãi suất liên ngân hàng rất cao. Đối với những đơn vị này, Ngân hàng Nhà nước phải làm việc và chấn chỉnh trực tiếp tình hình tài chính của họ.
Hai là, đối với tái cơ cấu hoạt động ngân hàng, một chuyên gia cho rằng, cần phải xem xét, rà soát lại mọi hoạt động và chỉ cho phép kinh doanh các dịch vụ, sản phẩm phù hợp với quy mô, điều kiện thị trường; song song, kiểm soát chặt chẽ những loại hình kinh doanh tiềm ần nhiều rủi ro như “nhận tiền gửi bằng vàng”, “cho vay bằng vàng” hoặc các dòng sản phẩm phái sinh độc hại.
Cùng đó, cần phải rà soát toàn bộ hệ thống quản trị rủi ro ở các ngân hàng thương mại cũng như hệ thống tự giám sát của họ.
Thứ hai là vấn đề hệ thống giám sát ngân hàng. Theo tổng giám đốc một ngân hàng, để tái cơ cấu thành công, không thể không nhắc đến vai trò hệ thống giám sát, trong đó, vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phải được phân định rõ ràng. Và chương trình giám sát đó không chỉ trong quá trình tái cơ cấu mà còn ở giai đoạn sau tái cơ cấu, để đảm bảo rằng, sau tái cơ cấu thì chất lượng tài sản ở các ngân hàng không tồi tệ trở lại như bây giờ.
Theo ông Nghĩa, với một khối lượng công việc phức tạp và bề bộn như vậy, chương trình tái cơ cấu ngân hàng lần này không thể giao phó hoàn toàn cho Ngân hàng Nhà nước.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ nên là cơ quan xây dựng đề án tái cơ cấu và giải quyết các công việc cụ thể; còn việc chỉ đạo điều hành phải giao cho một ủy ban cấp cao của Chính phủ. Bởi, chỉ có ủy ban này mới đủ quyền lực để giải quyết hàng loạt phát sinh phức tạp, đặc biệt là chuyện tiền nong, nợ nần cũng như sự phối kết hợp của các bộ ngành liên quan.
Nguyễn Hoài
Theo VnEconomy