Một số nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội đã tạm ngừng cung cấp món ăn làm từ thịt bò Kobe sau khi cơ quan chức năng công bố cấm niêm yết giá, quảng cáo; đồng thời khẳng định hàng hóa này vào Việt Nam bằng chứng thư giả.
Bếp trưởng của một khách sạn nổi tiếng với những món ăn từ thịt bò Kobe tại Hà Nội tỏ ra bất ngờ với thông tin chứng thư giả gần đây. Theo anh, lâu nay, việc mua bán loại thực phẩm này đều phổ biến, dễ dàng trên thị trường. Ngay cả các nhà hàng, khách sạn cũng chỉ đi nhập từ các cơ sở phân phối trong nước về để chế biến nên không hay biết gì về việc chứng từ nhập khẩu là giả.
"Cũng giống như đi chợ, thấy con cá ngon thì mua, chứ ai vào hỏi giấy chứng nhận nhập đâu. Chúng tôi cũng chỉ căn cứ vào đặc điểm nhận dạng được học để phân biệt bò Kobe thật hay giả khi lấy hàng. Còn vấn đề 2 nước đã có văn bản kiểm dịch, giao thương hay chưa, giấy tờ bên cung cấp hàng hóa đưa ra có chữ ký, đóng dấu mà vẫn là giả thì người kinh doanh rất khó kiểm soát được", anh nói.
Nhiều nhà hàng, khách sạn tạm ngừng kinh doanh món ăn chế biến từ thịt bò Kobe sau thông tin thực phẩm này nhập vào Việt Nam qua chứng từ giả. Ảnh minh họa.
Theo kinh nghiệm của vị bếp trưởng này, thịt bò Kobe thật có vân mỡ mỏng, lượn tròn như hình hoa, vị ngọt đậm và rất mềm. Mặc dù đang thu hút rất nhiều thực khách song đại diện khách sạn này cho hay họ vẫn sẽ tạm ngưng kinh doanh món ăn này theo đúng quy định để chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng.
Tương tự, sau khi có thông tin cấm niêm yết giá, quảng cáo, tên những món ăn xa xỉ từ thịt bò Kobe đã "biến mất" trên thực đơn của một số nhà hàng. Chủ một quán ăn Nhật Bản trên đường Kim Mã cho biết, hiện anh không bán các món chế biến từ bò Kobe vì... không có nguồn cung cấp. Trong khi trước đó, nếu khách có yêu cầu thì nhà hàng vẫn đáp ứng các món ăn từ bò Kobe.
Chủ kinh doanh này khẳng định chỉ bán bò Úc và Mỹ, loại thực phẩm này có giá dao động từ 250.000 đồng đến khoảng 700.000 đồng một kg. "Nguồn hàng này được chúng tôi nhập từ một công ty chuyên cung cấp thực phẩm nhập ngoại, chính ngạch nên không phải lo lắng về hóa đơn hay chứng từ", anh nói.
Trong khi đó, nguồn tin từ một nhà hàng nổi tiếng tại Hà Nội, nơi cũng kinh doanh những món ăn thịt bò Kobe có giá tiền triệu cho hay, vì sự việc mới xảy ra nên chưa nhận thấy rõ phản ứng của người tiêu dùng. Do vậy, việc dừng hay tiếp tục kinh doanh thực phẩm này chưa được quyết định.
Trước thông tin có thể sẽ tiêu hủy toàn bộ số thịt Kobe tại nếu như các nhà hàng không đưa ra hóa đơn, chứng từ nhập khẩu hợp lệ, anh Tuấn, quản lý một nhà hàng Nhật trên phố Kim Mã bày tỏ, việc làm này có thể sẽ làm mất đi cơ hội được thưởng thức món ngon nổi tiếng của một bộ phận thực khách có nhu cầu. Mặt khác, thịt bò Kobe cũng không phải là hàng cấm. Đây là loại thực phẩm bổ dưỡng, phục vụ nhu cầu của những người có điều kiện thưởng thức. Do đó, theo quản lý nhà hàng này, các cơ quan chức năng nên xem xét để được nhập chính ngạch thịt bò từ Nhật Bản, phục vụ thực khách.
Đồng quan điểm đó, anh Nguyễn Đình Vinh, bếp trưởng nhà hàng Nhật Akari (Lê Ngọc Hân, Hà Nội) cũng cho biết, thịt bò Kobe, nếu không được bán tại các nhà hàng ở Việt Nam nữa, là điều đáng tiếc. Theo anh Vinh, đây là một món ăn giàu dinh dưỡng, lại xuất xứ Nhật Bản nên chất lượng chắc chắn tốt vì từ trước đến nay, thực phẩm Nhật vốn nghiêm ngặt khâu an toàn, đảm bảo vệ sinh. Anh Vinh cũng cho hay, tại Việt Nam hiện nay, đếm trên đầu ngón tay những nơi kinh doanh loại thịt này vì giá thành cao và khá kén khách.
Theo anh, cơ quan chức năng chỉ nên xử lý đối với trường hợp "treo đầu dê, bán thịt chó" là không phải thịt bò Kobe nhưng lại quảng cáo và bán với giá thịt bò Kobe. Anh Vinh chia sẻ, theo luật, những loại thực phẩm không hóa đơn, chứng từ nếu bị bắt sẽ phải tiêu hủy hay thu hồi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng nên xem xét để được nhập chính thức thịt bò Kobe nếu như trong nước có nhu cầu.
Tại TP HCM, hai chi cục Thú y và An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tất cả điểm rao bán và nhà hàng có phục vụ thịt bò Kobe, loại thịt có giá đắt nhưng chưa được kiểm dịch. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM nhấn mạnh, theo quy định, các loại thịt nhập khẩu khi kinh doanh tại nhà hàng quán ăn phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, được kiểm dịch và chứng nhận an toàn. “Nếu thịt chưa được kiểm định, cơ sở không xuất trình được nguồn gốc hàng, xem như không được phép kinh doanh”, ông Hòa nói.
Chiều 26/12, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Thú y TP HCM cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tất cả các điểm kinh doanh thịt bò Kobe trên địa bàn. Hôm 22/12, Quản lý thị trường Hà Nội cũng tổ chức kiểm tra các điểm kinh doanh thịt bò Kobe ở thủ đô. Kết quả là tất cả cơ sở qua kiểm tra đều không xuất trình được giấy tờ hợp lệ.
Theo ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Thú y, Cục này chưa hề cấp phép cho đơn vị nào kiểm dịch thịt bò từ Nhật Bản về Việt Nam. Lý do lớn nhất là thiếu văn bản pháp lý giữa hai bên. Các thỏa thuận về điều kiện vệ sinh thú y với sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản và Việt Nam cũng chưa có, vì vậy vẫn chưa đủ điều kiện để tiến hành các thủ tục cấp phép nhập khẩu thịt bò từ nước này.
Theo Vnexpress