Sự kiện hot
11 năm trước

Tâm sự của em gái Dương Tự Trọng: Những kỷ niệm "mặn chát" bờ môi

Một buổi chiều đầu năm 2014, tại một quán cà phê nằm ép mình trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng), bà Dương Thị Băng Tâm đã sẻ chia những kỷ niệm của mình về 2 người anh trai là Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng.


Căn nhà cụ Dương Khắc Thụ đang sinh sống. Ảnh: TG.

Nghèn nghẹn trong từng câu nói, bà Tâm chia sẻ: “Hãy đặt vào địa vị của tôi, mọi người mới hiểu được tâm trạng tôi lúc này”.

Giấu bố về thông tin hai người anh

Vừa qua, TAND Hà Nội đã tiến hành các phiên xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam mức án tử hình về các tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản” tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và cựu Đại tá, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng Dương Tự Trọng 18 năm tù về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Các phiên xử gây được sự chú ý đặc biệt của dư luận, bởi lẽ chỉ trong một thời gian ngắn, một gia đình được liệt vào hàng “danh gia vọng tộc” bậc nhất đất Cảng lại rơi vào cảnh xót xa khi hai người con trai được kỳ vọng nhất lần lượt bị bắt.

Chiều 12/1, bà Dương Thị Băng Tâm (em gái các bị cáo Dương Tự trọng và Dương Chí Dũng) đã đồng ý gặp mặt PV Báo GĐ&XH để chia sẻ những tâm tư, tình cảm của mình dành cho các anh trai. Tại một quán cà phê trên đường Lê Hồng Phong (Hải Phòng), ngồi đối diện chúng tôi là một người phụ nữ trung tuổi có ánh mắt buồn, nét mặt khá giống người anh cả Dương Chí Dũng. Nghèn nghẹn trong từng câu kể, bà Tâm  chia sẻ, chỉ một thời gian ngắn chứng kiến hai phiên tòa xét xử hai người anh trai mình, trái tim bà nhói đau. Bà Tâm kể rằng, từ khi gia đình gặp chuyện (hai người anh vướng vào lao lý –PV), các thành viên trong gia đình đều rất buồn. Bà Tâm nói, trước khi xảy ra các biến cố trong gia đình, bà và cô em gái út thi thoảng mới về nhà thăm bố mẹ nhưng kể từ khi hai người anh bị bắt, vợ chồng bà cùng vợ chồng người em gái út ngày nào cũng tranh thủ thời gian về nhà trông nom bố mẹ thay các anh.

Bà Tâm kể: “Mẹ và chị em tôi luôn phải giấu bố (cụ Dương Khắc Thụ, 90 tuổi, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng trong thập niên 70-80) chuyện của anh Dũng, anh Trọng bởi hai anh là niềm kỳ vọng của bố. Trong gia đình, anh Dũng là người có tính cách giống bố tôi hơn cả. Nhìn bề ngoài ít nói, hiền lành thế nhưng tính khí anh Dũng rất can trường, bản lĩnh đến các em đều phải sợ. Trong khi đó, anh Trọng bề ngoài cứng rắn nhưng sống nặng về tình cảm. Bố tôi là người sống rất nghiêm khắc, luôn dạy dỗ con “ngã phải tự đứng lên” và “phải đi lên bằng chính sức lực của mình” nên nếu bây giờ biết những thông tin không hay này, chắc chắn cụ sẽ sốc nặng. Vì thế, chúng tôi buộc phải giấu cụ mọi thông tin có thể đưa đến như báo chí, truyền hình, thậm chí việc ra ngoài giao lưu với hàng xóm”.


Bị cáo Dương Tự Trọng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: TL.

Cay đắng đi qua, xót xa ở lại

Bà Tâm nói rằng, khi hay tin hai con trai bị bắt, cụ Trần Thị Hương (83 tuổi, mẹ bà Tâm) đã suy sụp và lo lắng khôn nguôi. Nhưng với tính cách can trường, cụ đã giúp các con gái che giấu nỗi đau để nói dối chồng về tình cảnh của hai người con trai của mình. Bà Tâm nghẹn giọng: “Thậm chí, để yên lòng bố tôi, dù trong lòng chất chứa bao nỗi đau nhưng mẹ vẫn hát để khỏa lấp nỗi ngờ vực của ông cụ. Trước mặt chồng, mẹ tôi luôn tỏ ra bình thản, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Chỉ đến khi một mình, mẹ tôi mới dám xả lòng, khóc thương con”.

Rồi bà Tâm kể, tối 11/1, nghe con rể nhẩm một ca khúc “Lạy Phật Quan âm”, cụ Hương đã nhờ các con chép lời bài hát để cụ học thuộc lời, đợt tới vào thăm hai con trai sẽ hát. Hành động ấy của mẹ khiến mấy anh chị em cảm thấy xót xa và thương mẹ vô cùng. Bà Tâm chia sẻ: “Sợ mẹ buồn nên sau phiên tòa, chúng tôi đành giấu mẹ là tòa tạm trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Nên hiện tại, mẹ vẫn không hay biết chuyện hai anh trai tôi bị tòa tuyên phạt như thế nào mà chỉ nghĩ rằng, các cơ quan tố tụng đang xem xét điều tra lại vụ án”.

Như nén lại cảm xúc trong lòng, bà Băng Tâm chua xót: “Tôi chỉ tiếc một điều, giá như anh Dũng không bỏ trốn thì mọi chuyện đâu đau lòng đến thế. Tuy nhiên, tôi luôn sẵn một niềm tin vào hai người anh của mình, đặc biệt anh Dũng. Tôi có một mong muốn, các cơ quan pháp luật hãy tạo điều kiện cho anh Dũng có cơ hội chứng minh việc làm của mình không phải là tham ô. Riêng với anh Trọng, tôi chỉ mong cơ quan pháp luật hãy cảm thông, giảm nhẹ mức án cho anh tôi về những tội lỗi do mình gây ra để anh sớm trở về chăm sóc cha mẹ già”.

Bà Tâm tâm sự, thời điểm anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn, bà đã làm một bài thơ kêu gọi anh đầu thú với tiêu đề “Anh hãy về đi”. Còn sau phiên tòa xét xử bị cáo Dương Tự Trọng vào ngày 8/1, bà Tâm cũng đã làm bài thơ tặng anh trai mình cùng những lời nhắn nhủ: “Gần Tết rồi, anh hãy khỏe nhé, em đã nhìn thấy sự tĩnh lặng, sự hồn hậu trong ánh mắt của anh và em thấy thương anh quá”.

Chia tay bà Tâm khi thành phố Cảng đã lên đèn, chúng tôi tìm đến khu vực nơi gia đình cụ Dương Khắc Thụ và cụ Trần Thị Hương sinh sống. Điều chúng tôi ghi nhận đó là thái độ của những người hàng xóm dành cho gia đình họ Dương khá tôn trọng. Trong câu chuyện họ kể nhau nghe về phiên tòa xét xử Dương TựTrọng, dường như đều ẩn chứa một niềm nuối tiếc cho con người tài hoa, sự cảm thông cho một gia đình danh giá.

Dương Đăng Thùy
theo GĐ&XH

Từ khóa: