Cô hiệu phó trường học vùng cao trong cơn khốn khó đã buông mình chạy theo cám dỗ của đồng tiền. Để rồi khi đã mất tất cả thì những ân hận muộn màng cũng không giúp cô quay ngược được thời gian để làm lại.
Cô hiệu phó trường học vùng cao trong cơn khốn khó đã buông mình chạy theo cám dỗ của đồng tiền. Để rồi khi đã mất tất cả thì những ân hận muộn màng cũng không giúp cô quay ngược được thời gian để làm lại.
Lầm lạc
Trong bộ quần áo phạm nhân, Thào Thị Bích (SN 1958, ở Mường Khương, Lào Cai) vẫn giữ được phong thái của cô hiệu phó một thời.
Cười buồn, nữ phạm nhân chậm rãi kể về bước đường lầm lạc của cuộc đời. Chỉ vì không làm chủ được trước sự cám dỗ của đồng tiền mà Bích đã đánh mất tất cả.
Hồi đó, Bích là hiệu phó của một trường tiểu học ở Mường Khương, Lào Cai. Hàng ngày, niềm vui của cô là đem lại cái chữ cho các học sinh vùng dân tộc thiểu số. Chồng của Bích hàng ngày ở nhà mở tiệm bán những thứ hàng lặt vặt.
Cuộc sống của cô giáo vùng cao tuy khó khăn nhưng trong căn nhà đơn sơ đó luôn chứa chan hạnh phúc.
Những tưởng cuộc sống của cô hiệu phó cứ thế êm trôi khi hai đứa con trai ngày một khôn lớn. Đứa con trai cả của Bích năm đó đi thi đại học. Cậu con trai học giỏi là niềm hy vọng, mong mỏi của Bích.
Thế nhưng, ngày đưa con trai lên thi đại học ở Hà Nội cũng là ngày mà Bích phải tra tay vào còng, tất cả cũng chỉ vì lòng tham.
Bích kể rằng, đang không biết kiếm đâu ra tiền đưa con lên Hà Nội ôn thi, Bích gặp một người quen ghé thăm ngôi trường gần với biên giới Việt - Trung, rủ rỉ với chị rằng, chỉ cần một chuyến hàng tân dược tuồn xuống Hà Nội, Bích sẽ đổi đời.
Bích được kẻ buôn ma túy chuyện nghiệp nhắm đến vì cô có vỏ bọc khó phát hiện. Ai mà ngờ được một cô hiệu phó trường tiểu học lại cam tâm đi buôn bán thuốc tân dược gây nghiện.
Thảo Thị Bích
Đang lúc bí bách, lại được “mời chào”, nghĩ đến món nợ ngân hàng đã vay để sửa lại căn nhà dột nát, lại đã quá ngán ngẩm với cảnh nghèo xơ xác, Bích bắt đầu thấy bùi tai và gật đầu đồng ý.
Bích băn khoăn mãi về việc mình sắp làm, cuối cùng đánh bạo bàn với chồng cùng tham gia đường dây buôn bán, vận chuyển thuốc tân dược gây nghiện. Nào ngờ cô lại nhận được sự chấp thuận của chồng mà chẳng phải tốn một lời thuyết phục.
Nỗi ân hận
Bích còn nhớ như in ngày đưa cậu con trai lớn đi thi đại học vào năm 2002 với bao nhiêu cảm giác đan xen, cô hiệu phó vừa đưa con trai về Hà Nội thi đại học, vừa giắt theo người thứ hàng cấm.
Vừa lo lắng cho cậu con trai, vừa lo nơm nớp về “chuyến hàng”, bước chân xuống chuyến xe khách, mồ hôi Bích rịn ra như tắm, cô đưa mắt khắp nơi, tim đập thình thịch.
Và đúng ngày mà cậu con trai thi môn đầu tiên thì Bích bị công an bắt giữ. Một ngày sau đó, chồng cô, Dương Văn Hạ cũng phải tra tay vào còng vì cùng tham gia đường dây buôn bán vận chuyển thuốc tân dược gây nghiện.
Cậu con trai lớn của Bích quá ngỡ ngàng trước tin cả cha lẫn mẹ bị bắt. Và cậu chẳng còn tâm trí nào mà thi đại học. Vậy là tương lai của một cậu học trò giỏi và mái ấm một gia đình hạnh phúc bỗng chốc tiêu tan.
Với việc vận chuyển 1.024 ống tân dược gây nghiện, Bích đã phải nhận mức án 20 năm tù giam. Còn Dương Văn Hạ cũng phải chịu mức án tù chung thân về cùng tội danh.
Hai vợ chồng cùng đi tù, Bích đành nhờ người bán hết nhà cửa ở Mường Khương, Lào Cai và dặn con tìm đường về quê nội ở Hà Tây, sống nương nhờ lòng tốt của gia đình bên nội.
Bích phải thụ án ở trại giam Tân Lập, trong khi chồng Bích phải thụ án ở trại giam Ba Sao. Ngồi “bóc lịch” trong tù Bích mới thấm thía những mất mát quá lớn mà mình phải trả giá cho hành động thiếu suy nghĩ.
Cô tâm sự: “Chỉ vì lòng tham tôi đã đánh mất tất cả, giờ có hối hận cũng không thể quay ngược thời gian để mà sửa sai được nữa”.
Hai vợ chồng mỗi người một trại giam, đã 7 năm họ chưa một lần được nhìn thấy mặt nhau.
Phạm nhân Bích cười chua chát mà rằng: “Tôi già đi nhiều thì hình dung là anh ấy cũng vậy thôi. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn viết thư, gọi điện động viên nhau cải tạo tốt, giữ gìn sức khỏe. Tôi còn có cơ hội về với các con, chứ anh ấy thì làm gì có ngày về...”.
7 năm trôi qua với bao nỗi day dứt ân hận đã khiến mái đầu của Bích bạc trắng. Mỗi lần được các con đến thăm nuôi, Bích lại dặn các con: “Không phải lo cho mẹ, tiền đó để lo cho bố”.
Nữ phạm nhân giải thích rằng: “Mình là phụ nữ, sức chịu đựng tốt hơn đàn ông. Hơn nữa tôi bị án 20 năm còn có ngày về, còn có ngày được ôm ấp con, cháu vào lòng, được sống những ngày cuối đời bên các con. Còn chồng tôi..." . Nói đến đây cô giáo một thời nhẹ lắc đầu, nước mắt chảy dài.
Giờ Bích đã lên chức bà nội, nhưng chưa một phút nữ phạm nhân này thôi trách mình. “Tôi giận mình không giúp gì được cho con. Đã không giúp gì được con những bước nó chập chững vào đời, giờ nào dám đòi hỏi gì các con. Mỗi năm các con thu xếp lên thăm tôi vài lần là tôi cũng mừng lắm rồi”, phạm nhân này tâm sự.
Hối hận, chua xót, nhưng Bích vẫn cám ơn cuộc đời khi vợ chồng Bích chịu cảnh tù đầy, không thể ở bên để bảo ban, dạy dỗ các con, nhưng hai con trai của Bích vẫn lớn khôn thành người lương thiện.
T.Nhung
Theo VietnamNet