Sự kiện hot
4 tháng trước

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng phát triển, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách tài khóa của nhà nước. Thuế TTĐB không chỉ nhằm mục đích tăng nguồn thu ngân sách mà còn góp phần điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, để chính sách thuế này thực sự hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, việc cân bằng và hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, và người tiêu dùng là vô cùng cần thiết.

Hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, theo đó các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế suất cao, dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia còn thấp, chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội.

Như vậy, giờ đây, các sản phẩm rượu, bia lại đang có nguy cơ phải đối mặt với đề xuất tăng thuế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, nếu theo phương án 2 của dự thảo Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Chính sách thuế là vấn đề rất phức tạp, khi xem xét điều chỉnh phải cẩn trọng đánh giá tác động cụ thể và những hệ lụy không mong muốn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và sự ổn định kinh tế vĩ mô và vấn đề an sinh xã hội. Hiện chưa thể đánh giá hết được các tác động to lớn, lan tỏa của đề xuất này nếu được áp dụng.

Ngành rượu, bia rất lo ngại khi tăng thuế làm giá sản phẩm tăng cao, người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các mặt hàng khác rẻ tiền hơn, tiêu dùng các sản phẩm trôi nổi, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả… tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan chống hàng lậu.

Với dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia lần này theo phương án 2, nếu được thông qua sẽ là “cú sốc” trước những khó khăn chồng chất, sự tụt dốc của doanh nghiệp rượu, bia. Các doanh nghiệp rượu, bia sẽ rất khó để phục hồi, ổn định. Chính sách này sẽ tạo ra hệ lụy giảm nguồn thu ngân sách, thu nhập và việc làm của hàng vạn người lao động cũng bị giảm theo.

Đánh giá kỹ tác động khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt - Báo Đại biểu Nhân dân
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, thời điểm hiện nay, bức tranh kinh tế toàn cầu suy giảm, phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều rủi ro, bất định và đều tác động khá mạnh đến nền kinh tế Việt Nam vốn là nền kinh tế mở và hội nhập sâu rộng.

Theo đó, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024 ghi nhận sự phục hồi không đồng đều; hành vi tiêu dùng, lối sống thay đổi; doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; lợi nhuận bình quân toàn ngành đồ uống liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước).

Theo ông Lực, tác động từ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có thể làm tăng thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng trong trung - dài hạn sẽ làm giảm sức cầu tiêu dùng, giảm doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp, qua đó giảm thu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam có vai trò kinh tế và đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng gần 60 ngàn tỷ đồng/năm, luôn đứng ở vị trí những DN đóng góp ngân sách nhất nhì địa phương. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, ngành đã gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19, các cuộc xung đột trên thế giới, các chính sách quản lý hạn chế… khiến các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của DN trong ngành đều giảm sút từ một tới hai con số. Các DN phải tính tới tái cấu trúc, thu hẹp sản xuất, đóng cửa nhà máy, cắt giảm lao động…

Vì vậy, theo VBA, Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) được Bộ Tài Chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế TTĐB cao đối với rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là một "cú sốc" đối với các DN trong ngành. DN đã đang khó lại còn khó hơn.

Thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu, bia tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm khoảng 20% so với trước đây, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn và thách thức cho ngành. Thống kê cho thấy có khoảng 50% số doanh nghiệp giảm lợi nhuận trong giai đoạn 2020-2021, hơn 70% doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp giảm chi phí, giảm lao động khiến thu nhập lao động giảm 10%.

Nhìn lại đóng góp của ngành rượu, bia đối với kinh tế, xã hội, thì thấy rõ sản xuất rượu, bia là phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam nói riêng và nên kinh tế nói chung, với mức tăng trưởng về giá trị sản xuất bình quân trên 10%/năm.

Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước. Bên cạnh đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp tới gần 2% vào GDP, trong đó, đóng góp ngành rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thuế tiêu thụ đặc biệt, lên tới 30-40%.

Ngành cũng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp trong chuỗi cung ứng, từ bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, bán buôn, bán lẻ cũng như các nhà cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất đầu vào cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, phục vụ cho xuất khẩu, sản phẩm có sức cạnh tranh cao trong điều kiện hội nhập.

Tăng thuế rượu, bia: nên hay không?

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VCTA), việc điều chỉnh tăng thuế suất các mặt hàng rượu bia trong thời gian tới là cần thiết và phù hợp chủ trương của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên cần hướng đến chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể.

Việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, tự pha chế, không bảo đảm chất lượng sản phẩm. Theo đó, mục tiêu hạn chế tiêu dùng rượu bia, bảo đảm sức khỏe cộng đồng sẽ khó thực hiện.

Do đó, bà Nguyễn Thị Cúc đề nghị cần cân nhắc nghiên cứu kỹ thêm tác động của đề xuất tăng thuế này. Xem xét phương án giãn thời gian tăng thuế suất có lộ trình, ví dụ năm đầu tăng thuế suất 5%, các năm tiếp theo thuế suất sẽ tăng theo lộ trình vài năm thay vì 1 năm. 

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích, việc đánh thuế cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không để người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng. Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp, nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng. Theo ông Long, với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế.

Vì vậy, ông Long cho rằng, cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam, tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Tiến Hoàng/KTĐU

Từ khóa: