Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nộp 170.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước trong năm 2022

Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất PVN là 82.000 tỷ đồng, vượt 3,3 lần so với mục tiêu đề ra, tăng 60% so với năm 2021. Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước hơn 170.000 tỷ đồng, vượt 2,64 lần so với kế hoạch năm, tăng 52% so với năm trước.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng cho biết tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổng doanh thu PVN đạt 931.000 tỷ đồng trong năm 2022, vượt 67% kế hoạch, tăng 48% so với năm trước. 

Trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất PVN là 82.000 tỷ đồng, vượt 3,3 lần so với mục tiêu đề ra, tăng 60% so với năm 2021. Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước hơn 170.000 tỷ đồng, vượt 2,64 lần so với kế hoạch năm, tăng 52% so với năm trước.

Ngoài ra, lãnh đạo PVN còn thông tin, gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2022 của tập đoàn là gần 17 triệu tấn quy dầu, vượt 21% so với kế hoạch năm, tăng 26% so với năm trước. Sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 9 triệu tấn, vượt 28% so với chỉ tiêu đặt ra và tương đương với năm 2021.

Về kế hoạch năm 2023, tập đoàn dự kiến triển khai, thực hiện các dự án lớn như nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Khí Lô B để đáp ứng yêu cầu năng lượng cho phát triển trong nước. Đây đều là những dự án lớn đáng ra đã phải vào lâu rồi nhưng vì nhiều lý do dẫn đến chậm tiến độ.

PVN luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng và Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các Bộ, Ban/ngành, các tổ chức đoàn thể Trung ương và các địa phương liên quan. Trong năm 2022, các đồng chí Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Tập đoàn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và tại các dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn.

Tại giao ban sản xuất kinh doanh, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị chủ động bám sát biến động kinh tế vĩ mô, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, diễn biến thị trường, đưa ra mục tiêu, giải pháp cho từng lĩnh vực để có những quyết sách kịp thời trong chỉ đạo, điều hành; trong đó tập trung điều hành khai thác với mục tiêu tiếp tục duy trì sản lượng. 

Bên cạnh đó, PVN ghi nhận dấu mốc rất quan trọng với việc Luật Dầu khí sửa đổi đã được Quốc hội thông qua vào ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ 01/7/2023. Luật Dầu khí năm 2022, đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển cũng như phát triển năng lượng quốc gia. Do đó, các đơn vị của PVN sẽ có chiến lược thúc đẩy hoạt động đầu tư cho năm 2023, đặc biệt là giải phóng các vướng mắc về cơ chế, chính sách…

Việc suy giảm sản xuất toàn cầu, cùng với tình hình địa chính trị trên thế giới bất định, nợ công, lạm phát, lãi suất… khiến giá cả đầu vào tăng nhanh sẽ là các yếu tố tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn PVN trong năm 2023. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp về sản xuất, việc duy trì quản trị biến động, quản trị chi phí, các giải pháp thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ của Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới.

Hồ Quân
Theo KTDU

Từ khóa: