Trong suốt hành trình gần 25 năm hình thành và phát triển, Tập đoàn GFS luôn nhận thức rằng, Khoa học và Công nghệ (KHCN) là chìa khóa mở ra chân trời mới để doanh nghiệp phát triển sản xuất và kinh doanh, KHCN là động lực để phát triển phát triển toàn diện xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Đồng thời. Đầu tư phát triển KHCN là đầu tư cho tương lại của chính doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo Sáng tạo khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 15-16 tháng 12/2021 tại Hà Nội, bà Nguyễn Hồng Hạnh (Tổng Giám đốc Tập đoàn GFS, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ GFS) cho rằng, đầu tư khoa học và công nghệ để chủ động đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất, kinh doanh là con đường tất yếu của doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 và chuyển đổi số. Đặc biệt với bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy, những doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN, cải tiến phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế mới lại là những doanh nghiệp ít bị tổn thương nhất.
Sớm nắm bắt được ý nghĩa của sự chuyển dịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống sang kỷ nguyên công nghệ, Tập đoàn GFS ngoài những giải pháp được áp dụng phổ biến, đã cùng đơn vị thành viên chủ lực là Viện Công nghệ GFS (trực thuộc VUSTA) quy tụ, hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ và triển khai áp dụng công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực (Công nghệ xây dựng; Nông nghiệp hữu cơ và thủy sản công nghệ cao; Công nghệ sinh học…). Viện Công nghệ GFS đã và đang sở hữu trên 40 phát minh, sáng chế trong lĩnh vực xây dựng gồm: Nền móng, kết cấu, vật liệu và các giải pháp công nghệ tối ưu khác.
Hiện Viện công nghệ GFS đã và đang triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ xây dựng của Tập đoàn GFS như: Nghiên cứu sử dụng tro bay thải từ nhà máy nhiệt điện để sản xuất tấm Panel sàn và tường phục vụ nhu cầu xây dựng nhà lắp ghép theo công nghệ mới; Ứng dụng công nghệ tiền chế để xây dựng khu một số khu Thiết chế công đoàn và nhà xã hội dành cho công nhân tại các khu công nghiệp; Sản xuất cấu kiện chắn sóng làm bằng bê tông Geopolymer (Bê tông xanh không sử dụng xi măng).
Ngoài lĩnh vực xây dựng, trong lĩnh vực Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao, Tập đoàn GFS cũng là một trong các đơn vị tiên phong đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp với mong muốn biến “Việt Nam sẽ là vườn dược liệu của thế giới” cùng những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị, bền vững và đặc sắc. Với mục tiêu phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ.
Bên cạnh đó, phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng trồng dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, cơ cấu sản phẩm đa dạng bảo đảm an toàn và chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước và xuất khẩu.
Tập đoàn GFS đã phối hợp cùng Viện Dược liệu đầu tư nghiên cứu và ứng dụng KHCN nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế của các địa phương và hướng tới xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, phát triển các sản phẩm: Đảng sâm Việt Nam, hà thủ ô đỏ, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh, bạch truật, sâm bố chính. Kết quả đạt được từ các nhiệm vụ này là tiền đề cho việc nhân rộng mô hình trồng ở quy mô lớn hơn nhằm phát triển vùng nguyên liệu làm thuốc cho địa phương.
Cùng với đó, Tập đoàn GFS dự kiến liên kết phối hợp cùng Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nghiên cứu đề tài “ Tích hợp công nghệ đa ngành để phát triển bền vững nuôi biển tại Việt Nam”. Mục tiêu của đề án là phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tích hợp các ngành: ngành nuôi hải sản, du lịch, ngành dầu khí, ngành cơ khí và đóng tàu, ngành năng lượng, ngành kinh tế số và tự động hóa, ngành quốc phòng an ninh.
Thanh Thanh
Theo KTĐU