Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiến Phước vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và người sở hữu trái phiếu về việc thay đổi điều khoản, điều kiện của 2 lô trái phiếu GTPCH2123002 và GTPCH2123001 được phát hành vào tháng 3 và tháng 4/2021.
Được biết, lô trái phiếu GTPCH2123001 có giá trị 300 tỷ đồng được phát hành ngày 25/3/2021 với kỳ hạn 24 tháng. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền. Tài sản đảm bảo gồm: 20 triệu cổ phần Công ty Bất động sản Tiến Phước, quyền sử dụng đất tại Biệt thự 61H.
Số tiền thu được từ đợt phát hành được Tập đoàn Tiến Phước dùng để tăng phần vốn góp tại Công ty TNHH SGS nhằm thực hiện đầu tư/hợp tác đầu tư tại dự án Châu Pha Parkways, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khi đó, lô trái phiếu GTPCH2123002 có giá trị 200 tỷ đồng được phát hành vào ngày 6/4/2021 với kỳ hạn 24 tháng. Tài sản bảo đảm và mục đích phát hành cũng tương tự như đợt phát hành trước đó.
Được biết, Công ty Bất động sản Tiến Phước (công ty thành viên của Tập đoàn Tiến Phước) cũng sẽ có lô trái phiếu mã TPCCH2223001 trị giá hơn 160 tỷ đồng đáo hạn vào cuối tháng 3 này.
Theo tìm hiểu, Tiến Phước là một trong những tập đoàn bất động sản lâu đời tại khu vực phía Nam, được thành lập từ năm 1992, cùng thời với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Nam Long. Công ty của doanh nhân Nguyễn Thành Lập có nhiều dự án bất động sản đáng chú ý như Khu dân cư Senturia Vườn Lài, Khu dân cư Senturia Nam Sài Gòn, Palm Heights, Senturia An Phú...
Về tình hình tài chính kinh doanh, trong giai đoạn năm 2020 - 2021, Tập đoàn Tiến Phước không ghi nhận doanh thu thuần. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lãi sau thuế 83 triệu đồng (năm 2020) và 5 tỷ đồng (năm 2021) nhờ hoạt động doanh thu tài chính.
Trong khi đó, Công ty Bất động sản Tiến Phước, trong giai đoạn năm 2020 - 2021, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ sau thuế lỗ lần lượt 87 tỷ đồng và 227 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2021, công ty đang gánh khoản lỗ luỹ kế hơn 92 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2021, tổng nợ phải trả của Công ty Bất động sản Tiến Phước là 5.382 tỷ đồng, chiếm 74% nguồn vốn, tăng 20% so với đầu năm. Như vậy, so với số vốn chủ sở hữu là 1.926 tỷ đồng thì nợ phải trả của công ty cao gấp gần 3 lần.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc nợ phải trả chiếm phần lớn nghĩa nguồn vốn hoạt động của Công ty Bất động sản Tiến Phước hầu như là các khoản nợ. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.
Theo các chuyên gia, trong cấu trúc doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.
Thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, nhiều đơn vị đã phải khất nợ trái phiếu, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Cuối tháng 2/2023, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã công bố danh sách 54 tổ chức phát hành đã công bố thông tin bất thường, có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu doanh nghiệp...
Cụ thể, một số doanh nghiệp có tên trong danh sách như: Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest), Công ty Cổ phần Bất động sản Vĩnh Xuân, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh bất động sản Hà An, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản VHC, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn, Công ty Cổ phần Kinh doanh đá quý và trang sức Đức Tiến, Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Đại Dương...
Trong báo cáo mới đây, Công ty Cổ phần FiinRatings ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, tương đương 157,97 nghìn tỷ đồng và 341,27 nghìn tỷ đồng.
FiinRatings dự báo thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu. Tuy nhiên, FiinRatings cũng kỳ vọng áp lực đáo hạn sẽ được giải tỏa nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 của Chính phủ cho phép gia hạn nợ được thông qua.
Nhìn về khía cạnh tích cực, FiinRatings nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sắp tới sẽ bước vào chu kỳ mới với nhiều thay đổi cốt lõi giúp kênh vốn này phát triển bền vững hơn.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị định số 08 chính là quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản.
Đồng thời, Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn thì có thể đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu, thời gia gia hạn tối đa là 2 năm, cũng trên nguyên tắc là được sự nhất trí của các nhà đầu tư. Trong trường hợp nhà đầu tư không nhất trí thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy định trong phương án đã công bố trước đây.
Trong giai đoạn từ năm 2018 – 2022, Tiến Phước Land đã huy động 4 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng. Trong đó có 3/4 lô trái phiếu đã bị huỷ do đáo hạn.
Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc, thành viên khác của Tiến Phước cũng phát hành trái phiếu huy động vốn. Ngày 5/1/2022, Nam Rạch Chiếc chào bán thành công lô trái phiếu mã NRCCH2125001 có giá trị 1.300 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 48 tháng, thời gian đáo hạn đến tháng 12/2025.
Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc là liên doanh giữa Tiến Phước Land, Keppel Land (Singapore) và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái để đầu tư dự án Palm City với quy mô 30,2 ha.
Tới ngày 28/1/2022, Nam Rạch Chiếc chào bán thành công lô trái phiếu mã NRCCH2226001 có giá trị 700 tỷ đồng cũng kỳ hạn 48 tháng. Ngày đáo hạn lô trái phiếu là 26/1/2026.
Trong ngày 22/9/2021, Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI - một thành viên trong hệ sinh thái Tập đoàn Tiến Phước phát hành lô trái phiếu mã TICCH2124001 có giá trị 1.000 tỷ đồng, đáo hạn ngày 22/9/2024.
Có thể thấy, không chỉ năm 2023 mà sắp tới đây, trong năm 2024 và 2025, hệ sinh thái Tiến Phước vẫn tiếp tục phải “giải bài toán” trái phiếu đáo hạn.
PV
Theo Kinh tế & Đồ uống