Sự kiện hot
4 tháng trước

Tập trung tín dụng cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư

Tăng trưởng tín dụng là một yếu tố có quan hệ chặt chẽ và tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất có thể.

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 527/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tín dụng ngành Ngân hàng góp phần phát triển kinh tế biển - Tạp chí Tài  chính
Tập trung tín dụng cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Theo đó, Trong 11 tháng của năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta, bên cạnh đó nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế, tác động ảnh hưởng sau COVID-19 còn kéo dài. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tổng thể chung, kết quả đạt được là cơ bản, nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, trực tiếp thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế; trong đó có sự đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại và lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng 11 tháng năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa kịp thời theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: tín dụng cho vay trung và dài hạn tiếp tục gặp khó khăn; tăng trưởng tín dụng còn thấp, mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng là rất lớn; kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là 120.000 tỷ xây dựng nhà ở xã hội; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.

Đối với các tổ chức tín dụng: hồ sơ cho vay vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là lãi suất cho vay; vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại.

Đối với doanh nghiệp và người dân: kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cả tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng, tín dụng về đầu tư; một số doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn; mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả; quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng thương mại còn thiếu linh hoạt trong khi phải bảo đảm, kiểm soát các tiêu chuẩn tín dụng theo quy định, không hạ chuẩn tín dụng.

Do vậy, quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.

Tăng trưởng tín dụng đạt gần 13% | VTV.VN

Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.

Các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, hơn lúc nào hết cần phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, càng khó khăn phải càng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, xử lý việc nào dứt việc đấy.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo mức tăng trưởng tăng thêm công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể. 

Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua. 

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Cùng đó, bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế mới đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm và còn khá xa mục tiêu 14% phải đạt trong năm 2023.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: