13 phiên tăng điểm liên tiếp của Vn-Index vẫn thiếu đi một yếu tố quan trọng tạo ra lực đẩy bền vững cho thị trường chứng khoán - sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.
13 phiên tăng điểm liên tiếp của Vn-Index vẫn thiếu đi một yếu tố quan trọng tạo ra lực đẩy bền vững cho thị trường chứng khoán - sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức.
Đợt tăng điểm kéo dài suốt từ cuối tháng 8 đến trung tuần tháng 9 đã cộng thêm cho Vn-Index một số điểm khá bất ngờ 72,72 điểm, giúp chỉ số này tăng hơn 18%. Cùng với đó, thanh khoản tại HOSE cũng được cải thiện với khối lượng giao dịch trung bình phiên đạt gần 47 triệu chứng khoán (tương đương gần 760 tỷ đồng), cao gấp đôi so với thống kê tháng 7. Những diễn biến tích cực tương tự cũng được ghi nhận trên sàn Hà Nội, dù ở mức độ khiêm tốn hơn.
Ngay cả sau đợt phục hồi vừa qua, nhiều nhà đầu tư vẫn đang lỗ. Ảnh minh họa: Nhật Minh
Nhận định sự hứng khởi của thị trường trong nước thời gian qua, đa phần các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là kỳ vọng của nhà đầu tư vào những điều chỉnh trong chính sách tiền tệ, đặc biệt là quyết tâm giảm lãi suất của ngành ngân hàng.
Theo Tiến sĩ Quách Mạnh Hào - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Thăng Long, trước một loạt chính sách được Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong vòng một tháng qua (gỡ bỏ một số tỷ lệ bảo đảm an toàn vốn, đưa ra chế tài mạnh hơn đối với việc duy trì trần lãi suất huy động, hỗ trợ thanh khoản thông qua thị trường mở cho các ngân hàng…), nhà đầu tư bắt đầu kỳ vọng tín dụng sẽ được khai thông và hỗ trợ nhiều cho thị trường chứng khoán.
“Qua số liệu của Chứng khoán Thăng Long và đồng nghiệp tại các công ty khác, tôi thấy rằng nhà đầu tư đã bắt đầu nộp tiền ròng vào tài khoản”, ông Hào cho biết. Mặc dù không tiết lộ số tiền mà nhà đầu tư nộp ròng trong tháng 8 tại công ty là bao nhiêu nhưng vị phó tổng giám đốc này khẳng định “dòng tiền chuyển dịch sang kênh chứng khoán trong thời gian qua đã tăng lên”.
Cùng chia sẻ nhận định này, Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán lớn tại TP HCM cho rằng lãi suất tiết kiệm bị khống chế ở mức 14% một năm là quá nhỏ bé so với lợi nhuận có thể thu được từ các kênh đầu tư khác trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, không phải nhà đầu tư nào cũng dám mạo hiểm bỏ tiền vào vàng sau một giai đoạn nhiều biến động vừa qua. Do đó, chứng khoán có thể coi là kênh cân đầu tư cân bằng giữa khả năng sinh lời và mức độ an toàn, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được các công ty chứng khoán ghi nhận là lượng tiền vào thị trường chủ yếu là nguồn tự có, tiền thực của nhà đầu tư trong nước. Do thị trường chỉ mới ở đầu giai đoạn phục hồi, nhà đầu tư chưa vững tin để tìm mọi cách huy động vốn, nhất là sử dụng đòn bẩy tài chính.
“Thị trường tăng điểm thời gian qua phần lớn nhờ sự hưng phấn của các nhà đầu tư cá nhân. Dấu ấn của nhà đầu tư tổ chức, những người tạo lập thị trường hầu như không có. Như vậy thì đà tăng sẽ rất khó bền”, Trưởng phòng phân tích của một công ty chứng khoán có thị phần nằm trong tốp 3 sàn Hà Nội nhận định.
Trên thực tế, trong 13 phiên tăng điểm liên tiếp của Vn-Index, chỉ có 5 phiên giá trị giao dịch 2 sàn vượt trên 1.500 tỷ đồng. “Quan sát thị trường, chúng tôi chưa thấy dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức chảy mạnh, sự tham gia của các quỹ mới hầu như không có”, chuyên gia phân tích này nói thêm.
Sự vắng bóng của các "tay chơi cỡ bự” có thể được giải thích bởi con số 24 trong số 47 công ty quản lý quỹ bị lỗ trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, ngay cả sau đợt phục hồi vừa qua, phần lớn nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trong giai đoạn trước vẫn đang lỗ. Do đó việc duy trì thanh khoản, nếu chỉ trông vào sức của nhà đầu tư cá nhân là rất khó.
Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia phân tích chứng khoán, đợt tăng điểm vừa qua của thị trường chưa thực sự bền vững bởi động lực chính là sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào dòng tiền. Tuy nhiên, kỳ vọng này có thể trở thành hiện thực bao nhiêu phần trăm là điều rất khó nói bởi nó phụ thuộc vào thanh khoản thực tế của các ngân hàng cũng như yêu cầu kiểm soát tín dụng để kiềm chết lạm phát.
“Thế giới khó khăn, kinh tế trong nước còn nhiều thách thức nên vẫn còn khá sớm để kỳ vọng vào sự phục hồi bền vững của chứng khoán. Có thể phải sang năm sau, lạm phát dịu lại, kinh tế ổn định, đầu tư nước ngoài dồi dào hơn, thị trường mới kỳ vọng bứt phá”, Tiến sĩ Hiển nhận định.
Có quan điểm lạc quan hơn chuyên gia kinh tế đến từ TP HCM, Phó tổng giám đốc công ty chứng khoán Thăng Long Quách Mạnh Hào cho rằng thị trường đã và đang bước vào giai đoạn hồi phục. Nhà đầu tư chắc chắn sẽ còn chứng kiến thêm nhiều đợt tăng - giảm điểm mạnh nhưng các mức đáy sau sẽ cao hơn mức đáy trước. “Hiện tại, chúng ta cũng đang đối mặt với khả năng điều chỉnh của thị trường nhưng tôi tin là Vn-Index không thể quay về đáy gần nhất”, ông Hào nhận định.
B. Hường - N. Minh
Theo vnexpress