Chính phủ Thái Lan lên kế hoạch phát hành trái phiếu để huy động khoảng 30 tỷ baht ( tương đơng 963 triệu USD) để tài trợ cho các dự án nhằm giảm nguồn cung cao su dư thừa và kéo giá mặt hàng này lên cao.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan ông Grisada Boonrach cho biết, quốc gia này sẽ giảm nguồn cung cao su khoảng 1 triệu - 3,3 triệu tấn hàng năm.
"Chúng tôi dự định huy động khoảng 30 tỷ baht từ trái phiếu nhằm bồi thường cho người nông dân để khuyến khích họ giảm nguồn cung, và quỹ này sẽ được sử dụng làm nguồn vốn ban đầu cho Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan để hoạt động kinh doanh”, ông Grisada trả lời phỏng vấn của Nikkei Asia Review.
Theo đó, bộ Nông nghiệp Thái Lan đang có kế hoạch đưa một phần số tiền huy động từ việc phát hành trái phiếu lên cơ quan quản lý cao su. Điều này sẽ thúc đẩy khả năng cho người nông dân vay của các tổ chức chính phủ.
Cơ quan quản lý cao su giám sát ngành công nghiệp và cũng liên quan đến việc quản lý đồn điền, dạy kỹ thuật cho người nông dân để tăng sản lượng và can thiệp vào thị trường nếu cần.
Thái Lan là quốc gia sản xuất cao su lớn nhât thế giới và bộ Nông nghiệp quốc gia này đang cố gắng để giúp ngành công nghiệp trở nên bền vững hơn. Ảnh: Getty Images.
Ông Grisada cũng cho biết thêm, bộ Nông nghiệp Thái Lan đang thảo luận với bộ phận tài chính về quá trình phát hành trái phiếu và cả hai dự kiến sẽ sớm đưa ra kết luận cuối cùng.
Để giảm nguồn cung dư thừa và hỗ trợ giá cao su tăng cao, trước đó chính phủ Thái Lan đã bồi thường cho những người nông dân được khuyến khích chặt cây cao su với diện tích khoảng 64.000 ha.
Tuy nhiên, điều đó không thành công trong việc kéo giá cao su lên cao. Bộ Nông nghiệp Thái Lan nhận thấy cần có các biện pháp toàn diện hơn để biến các đồn điền cao su trở nên bền vững hơn, khi Thái Lan là quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới.
Giá cao su tấm không xông khói, được người nông dân bán cho các nhà máy cao su, đã giảm xuống còn 48 baht/kg, từ mức cao kỷ lục 180 baht/kg năm 2011. Mục tiêu hiện tại là đẩy giá lên tới 80 baht.
Việc giá tăng cao đã thúc đẩy người nông dân, không chỉ tại Thái Lan mà còn ở Campuchia, Ấn Độ và Việt Nam, trồng nhiều cây cao su hơn. Sự mở rộng diện tích trồng trọt này đã dẫn đến tình trạng dư cung quá mức, gây áp lực lên giá cho đến ngày hôm nay.
Trong vài năm gần đây, giá cao su giảm đã làm dấy lên các cuộc biểu tình lẻ tẻ của người nông dân. Mặc dù vậy, chính quyền Thái Lan hiện nay đã đặt ra một chính sách rõ ràng là không bồi thường trực tiếp cho người nông dân để tránh tạo ra kỳ vọng về hỗ trợ tài chính bất cứ khi nào giá giảm. Lập trường của chính quyền quân sự là nhận được hỗ trợ một cách dễ dàng có thể ngăn cản nông dân cải thiện hoạt động của họ, như cắt giảm chi phí.
"Chúng tôi mong muốn tìm ra mô hình kinh doanh cho cơ quan quản lý cao su vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4, và sẽ được chứng kiến chúng tôi làm thế nào để khuyến khích người nông dân giảm nguồn cung cao su ", ông Grisada cho biết.
Lyly Cao
Theo KTTD, Vietnambiz