Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Lothar Matthaeus, Stefan Effenberg..., và những chiến binh kiểu Đức điển hình hẳn đã rất đau đớn khi nhìn thấy hình ảnh kinh khủng rạng sáng qua của Leverkusen
Franz Beckenbauer, Gerd Mueller, Lothar Matthaeus, Stefan Effenberg..., và những chiến binh kiểu Đức điển hình hẳn đã rất đau đớn khi nhìn thấy hình ảnh kinh khủng rạng sáng qua của Leverkusen. Đó không phải là một đội bóng, mà giống như một cái bị bông tơi tả chấp nhận bị giày xéo vô điều kiện, mà quên đi lịch sử và bản sắc kiên cường của một nền bóng đá giàu ý chí bậc nhất châu Âu.
Xin lỗi lịch sử của các đội bóng Đức ở đấu trường châu Âu, vì Leverkusen đã trở thành đội thua đậm nhất ở một lượt đấu knock-out trong lịch sử Champions League, với tổng tỉ số 2-10 (cân bằng "kỷ lục" của Bremen trước Lyon vào mùa 2004-2005), vì phải mất 40 năm, nền bóng đá kiêu hãnh ấy mới nhìn thấy một CLB Đức thủng lưới từ 6 bàn trở lên ở một trận thuộc Cúp châu Âu, kể từ Kaiserslautern mùa 1972-1973.
Leverkusen nợ nước Đức lời xin lỗi - Ảnh Getty
Xin lỗi Beckenbauer, người đã từng cắn răng thi đấu với một cánh tay quấn băng trắng bị gãy trong trận chung kết World Cup năm 1966, trận đấu mà Đức đã gỡ hòa 2-2 vào thời điểm thời gian chính thức chỉ còn một phút là kết thúc, và chỉ chịu thua trong hiệp phụ. Xin lỗi vì các hậu bối của ông đã mất tinh thần và khoanh tay chịu trói chỉ sau gần nửa giờ bóng lăn, dù không ai phải chơi với một cánh tay bị gãy. Cùng là một thất bại, nhưng có thất bại có phẩm giá, có tinh thần và nghị lực, có thất bại chỉ toát lên sự buông xuôi hèn yếu.
Xin lỗi Karl-Heinz Rummenigge và Klaus Fisher, những người đã ghi 2 bàn cân bằng tỉ số 3-3 cho Đức trong hiệp phụ trận bán kết gặp Pháp ở World Cup 1982 (Đức đã bị dẫn 3-1 trong hiệp phụ), để rồi sau đó đánh bại đối phương trên chấm phạt đền. Xin lỗi vì không ai trong số những hậu bối trẻ tuổi của họ ở Leverkusen còn tin rằng 90 phút là quá thừa thãi để vãn hồi sự sống, dù trong quá khứ, một phút vẫn là quá dài, và 2 bàn vẫn là cách biệt mong manh với người Đức. Xin lỗi Michael Ballack, người phải ngồi nhà xem trận đấu qua ti vi, và chứng kiến các đàn em của anh bị quần tơi tả ở đấu trường mà cách đây 10 năm, cũng với màu áo này, anh đã đi đến trận chung kết và chỉ chịu thua Real Madrid sau một cú vô lê huyền thoại của Zinedine Zidane.
Xin lỗi luôn cả đội Bayern của trận chung kết Champions League năm 1999, dù việc đánh mất chiến thắng vào tay Manchester United chỉ trong 102 giây là một bi kịch lớn. Nhưng trận đấu ấy chỉ khiến người Đức đau đớn vì sự nghiệt ngã của số phận, chứ không phải là việc đánh mất linh hồn. 102 giây ấy có day dứt đấy, nhưng không thể kinh khủng bằng 90 phút mà Leverkusen bị tra tấn trên Camp Nou, nơi các cầu thủ của họ đã bị biến thành những cái xác biết đi và chạy theo quả bóng như thể họ đang bị điều khiển bởi những người ngoài hành tinh và Tiqui-taca là một thế lực siêu nhiên nào đó.
Xin lỗi những thế hệ cầu thủ người Đức đã đưa ý chí và bản lĩnh Đức trở thành bản sắc và giúp nó vang lừng thế giới, vì sự ủy mị và yếm thế của Leverkusen. Những người Đức có thể đổi áo với đối thủ họ tôn trọng, nhưng không bao giờ cãi nhau với đồng đội chỉ để giành lấy chiếc áo ấy, cứ như thể họ phải mang nó về và đặt lên điện thờ (hãy hỏi Kadlec và Friedrich). Những người Đức có thể thua, nhưng không bao giờ trở thành một con chuột rúm ró để bất kỳ con mèo nào vờn đi vờn lại.
Trong một đêm mà không chỉ có mành lưới, mà chất Đức rắn rỏi và nghị lực đã từng là niềm tự hào lớn lao của nền bóng đá này cũng bị "tàn sát" không thương tiếc, các cầu thủ Leverkusen nợ các tiền bối, những khán giả yêu quý họ, những huyền thoại đã đưa ý chí Đức trở thành một phẩm chất mang tính đặc trưng dân tộc, và cả một lịch sử bỏ lại sau lưng để vun đắp cho nó, rất, rất nhiều lời xin lỗi...
Phạm An
Theo TT&VH