Nhân viên một số ngân hàng đang mời chào những món tiền gửi lớn với lãi suất cao hơn trần 2-3%/năm. Động thái này là của các ngân hàng đang có nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập?
Nhân viên một số ngân hàng đang mời chào những món tiền gửi lớn với lãi suất cao hơn trần 2-3%/năm. Động thái này là của các ngân hàng đang có nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập?
Chị Lê Hoàng Nhung ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) băn khoăn, không biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ làm gì và làm như thế nào trong việc hạ lãi suất một cách thực sự tại hệ thống ngân hàng, ngoài việc ra mệnh lệnh yêu cầu các ngân hàng phải hạ lãi suất. Lý do khiến chị Nhung băn khoăn là chị đang được một số ngân hàng mời gửi tiết kiệm với lãi suất cao hơn so với trần quy định của NHNN từ 2 - 3%/năm cho món tiền tiết kiệm từ 500 triệu đồng.
Câu chuyện trên là có thật, nhân viên ngân hàng X cho biết và chia sẻ, một khách hàng ruột của chị có món tiền tiết kiệm 17 tỷ đồng nói thẳng với chị rằng, các ngân hàng đang huy động với lãi suất vượt trần rất nhiều và khá cao. Trong đó, một nhân viên ngân hàng Y đang chào với lãi suất lên đến 19%/năm, nên khách hàng này muốn dịch chuyển tiền tiết kiệm của mình sang ngân hàng Y nếu ngân hàng X không nâng lãi suất huy động lên.
Nhân viên ngân hàng X đã cố gắng thuyết phục khách hàng rằng, những ngân hàng đang huy động vượt trần là ngân hàng có nguy cơ sáp nhập, hợp nhất rất cao, khách hàng cần cẩn trọng. Nhưng theo chị Nhung, những ngân hàng mời chị gửi tiền với lãi suất cao đều nằm trong nhóm G12 hay nhóm 1, nhóm được NHNN phân bổ tăng trưởng tín dụng cao nhất 17% trong năm 2012. Còn ngân hàng Y cũng là ngân hàng được NHNN phân loại trong nhóm 2, được tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2012. “Tất cả đều là những ngân hàng đang quảng bá họ là ngân hàng lớn, mạnh”, chị Nhung nói.
Trên thực tế, không hẳn là những ngân hàng trong nhóm 1, nhóm 2 châm mồi cho cuộc đua lãi suất, mà nhiều thông tin cho rằng, vẫn là những ngân hàng yếu đang bị đồn thổi là chuẩn bị hợp nhất, sáp nhập châm lửa cuộc đua này.
“Điều này cũng là dễ hiểu, bởi những ngân hàng yếu đang gặp nhiều khó khăn, nên khó tránh khỏi việc cố gắng ‘vẫy vùng’. Do vậy, người dân khi gửi tiền tiết kiệm cần thận trọng trước câu chuyện ngân hàng huy động với lãi suất cao”, lãnh đạo một NHTMCP nói.
Tuy nhiên, chị Nhung cho hay, không phải chị không biết ngân hàng huy động với lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn, mà đơn giản là Thống đốc NHNN đã tuyên bố không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hệ thống ngân hàng qua thông điệp “ném chuột nhưng không để vỡ bình”. Như vậy, sẽ không có ngân hàng nào đổ vỡ thì không có lý do phải lo lắng về rủi ro, chị vẫn muốn gửi tiền ở ngân hàng có lãi suất huy động cao vượt trần để thu lợi nhuận.
Tại Hội nghị quán triệt những nhiệm vụ trọng tâm năm 2012 vào ngày 22/3 tại Hà Nội, do Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chủ trì, NHNN đã đề ra một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cần tập trung thực hiện. Trong đó, theo dõi sát diễn biến lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý; điều hành chính sách lãi suất linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và điều kiện thị trường tiền tệ; tăng cường giám sát việc chấp hành quy định trần lãi suất bằng VND và USD của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm…
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý không nên sử dụng các biện pháp hành chính, mà nên sử dụng các biện pháp thị trường đề điều hành hệ thống ngân hàng, đồng thời cần nói rõ hơn để người dân hiểu: không để người dân nào mất tiền, chứ không phải là không để ngân hàng nào đổ vỡ. Điều này có nghĩa, Nhà nước đảm bảo giữ quyền lợi của người dân chứ, không phải là đảm bảo giữ quyền lợi của những ông chủ ngân hàng. Ngân hàng nào yếu kém không thể hoạt động và tồn tại, thì ngân hàng đó buộc phải tuyên bố phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập. Có như vậy, người dân mới cân nhắc kỹ hơn khi gửi tiết kiệm với lãi suất cao so với quy định. Điều quan trọng hơn là để chính các ngân hàng yếu kém không “ỉ lại làm càn”.
Nhuệ Mẫn
Theo DTCK