Sự kiện hot
10 năm trước

Thanh Hóa: Lập hồ sơ khống chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng

Qua điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 38 đơn vị dựng hồ sơ không có thật để chiếm đoạt hơn 3,5 tỷ đồng tiền hỗ trợ khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và ngành nghề của Nhà nước... Trong câu chuyện này dư luận nghi vấn: Phải chăng Sở Công thương đang đá “quả bóng” trách nhiệm cho Thanh tra tỉnh Thanh Hóa?


Chủ trương hỗ trợ phát triển TTCN và ngành nghề đã bị nhiều đơn vị lợi dụng để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Ảnh: Văn Thanh

Không mở lớp vẫn có tiền

Ngày 5/9/2006, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2409/2006/QĐ-UBND về cơ chế khuyến khích phát triển TTCN và ngành nghề trên địa bàn và Quyết định số 2541/2008/QĐ-UBND ngày 19/8/2008 về sửa đổi Quyết định số 2409/2006.

Từ năm 2006 đến hết năm 2012, UBND tỉnh đã duyệt chi hỗ trợ số tiền 22.003.300.000 đồng cho 220 đơn vị. Tuy nhiên, qua công tác nắm tình hình ở những đơn vị được hỗ trợ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện việc thực hiện chính sách này có nhiều sai phạm.

Cụ thể, 38 đơn vị được kiểm tra đều có sai phạm với tổng số tiền 3.589.000.000 đồng. Trong đó, 26 đơn vị nhận tổng số tiền hỗ trợ 1.721.000.000 đồng nhưng không mở lớp đào tạo nghề cho người lao động. Nội dung báo cáo trong hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ không có thật, kê khai số người lao động nhiều hơn thực tế, một số đơn vị lập danh sách khống số người lao động. 12 đơn vị nhận tổng số tiền hỗ trợ 1.868.000.000 đồng có mở lớp đào tạo nghề từ 5 - 30 ngày, không đủ thời gian học tối thiểu 2 tháng theo quy định; khai số người tham gia học nhiều hơn thực tế, không duy trì được nghề cho người học.

Tất cả các đơn vị trên đều hợp thức hóa hồ sơ để chứng minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề từ 6 tháng trở lên bằng cách lập danh sách bảng lương liên tục 6 tháng và tự ký vào phần ký nhận của lao động. Công tác xét duyệt, thẩm định của các ngành chức năng còn nhiều sơ hở, thiếu sót, không chặt chẽ, có biểu hiện sai phạm như: Không có quyết định thành lập đoàn thẩm định, không phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên trong đoàn. Quá trình thẩm định tại nhiều đơn vị cơ sở không đủ căn cứ kết luận nhưng vẫn quyết định cho đơn vị được chính sách hỗ trợ. Việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển TTCN, ngành nghề đã bị nhiều đơn vị lợi dụng, một số cán bộ các ngành chức năng thiếu trách nhiệm để thất thoát ngân sách của tỉnh.

Đá “quả bóng” trách nhiệm

Trước những sai phạm nghiêm trọng này, ngày 21/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 2075/UBND-NC có ý kiến chỉ đạo giao Sở Công thương chủ trì thanh tra, kiểm tra và có trách nhiệm thu hồi số tiền vi phạm đã cấp cho các đơn vị, cơ sở không đúng quy định. Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển TTCN và ngành nghề để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện. Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện: Thường Xuân, Đông Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Triệu Sơn, Nga Sơn, Thọ Xuân, Quan Hóa và TP Thanh Hóa có các đơn vị sai phạm kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm tập thể, cá nhân tham gia xét duyệt, thẩm định, đề nghị hỗ trợ kinh phí không đúng đối tượng gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/4/2014.

Liên hệ làm việc nhiều lần với ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Sở Công thương Thanh Hóa, chúng tôi nhận được báo cáo đề ngày 30/6/2014 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, có nội dung: Qua thanh tra cho thấy, Hợp tác xã Thành Phát không mở lớp đào tạo nghề như hồ sơ lập để được đề nghị hưởng kinh phí theo chính sách đã quy định. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành thanh tra, đã xuất hiện nhiều khó khăn bất cập như: Tại thời điểm thanh tra, Hợp tác xã Thành Phát đã chuyển nhượng nhiều lần, người đại diện hợp pháp đã nhận thụ hưởng chính sách đến nay làm gì, ở đâu, chính quyền cũng không có thông tin, đối tượng thanh tra không thuộc quyền quản lý trực tiếp cũng như vi phạm quản lý về chuyên môn, kỹ thuật của sở này. Vụ việc phức tạp, thời gian xảy ra đã lâu, có liên quan đến trách nhiệm nhiều đơn vị, số người phải kiểm tra, xác minh nhiều, ở diện rộng, địa chỉ thiếu chi tiết.

Để kết luận rõ các sai phạm, làm cơ sở thu hồi kinh phí của các đơn vị được hưởng chính sách không đúng quy định và xem xét kiểm điểm trách nhiệm, cá nhân, tập thể có liên quan. Sở Công thương đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện thanh tra toàn bộ các đơn vị nói trên.

Với báo cáo này, nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng Sở Công thương đang đá “quả bóng” trách nhiệm cho Thanh tra tỉnh Thanh Hóa?

Văn Thanh
theo Thanh tra

Từ khóa: