Được biết, phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ diện tích của huyện Cẩm Thủy bao gồm 1 thị trấn và 16 xã. Dự báo dân số đến năm 2045 khoảng 138.000 người. Quy mô đất đai vùng quản lý 424,5km2.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Thủy đến năm 2045.
Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ diện tích huyện Cẩm Thủy, gồm 1 thị trấn và 16 xã; với dân số hiện trạng năm 2021 là 110.805 người; dự báo năm 2045 khoảng 138.000 người; diện tích tự nhiên 424,5km2…
Quy định về quản lý hệ thống đô thị giai đoạn đến năm 2025: Toàn huyện có 1 đô thị là thị trấn Phong Sơn phấn đấu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Dân số đô thị khoảng 22.000 người. Giai đoạn đến năm 2030: Toàn huyện có 3 đô thị, bao gồm thị trấn Phong Sơn, đô thị Cẩm Tân, đô thị Cẩm Lương.
Theo đó, Thị trấn Phong Sơn quy mô diện tích thị trấn khoảng 3.441,98ha là đô thị loại IV, là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế văn hóa xã huyện của huyện Cẩm Thủy.
Đô thị Cẩm Lương: Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Cẩm Lương và một phần địa giới hành chính của các xã Cẩm Thạch, Cẩm Thành và Cẩm Bình. Quy mô diện tích khoảng 2.800ha là đô thị loại V, trung tâm kinh tế tiểu vùng phía Tây Bắc huyện Cẩm Thủy, được định hướng phát triển đô thị gắn với dịch vụ du lịch, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề sản xuất nông lâm nghiệp.
Đô thị Cẩm Tân: Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính của xã Cẩm Tân. Quy mô diện tích khoảng 1.502ha là đô thị loại V, trung tâm kinh tế tiểu vùng phía Đông Nam của huyện Cẩm Thủy. Phát triển đô thị gắn với dịch vụ thương mại, nông nghiệp hữu cơ và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề sản xuất nông lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh định hướng đến năm 2030 toàn huyện Cẩm Thủy có 3 cụm công nghiệp, gồm: Cẩm Tú (19,5 ha); Cẩm Châu (25 ha); Cẩm Sơn (50 ha). Đến năm 2045 có 4 cụm công nghiệp, gồm: Cẩm Tú (19,5 ha); Cẩm Châu (25 ha); Cẩm Sơn (50 ha) và hình thành cụm công nghiệp Cẩm Tân (15 ha).
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: sản xuất điện, chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc, giầy da.
Các tuyến du lịch thực hiện theo đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Cẩm Thủy đến năm 2045 và đề án phát triển du lịch huyện Cẩm Thủy đến năm 2030 được duyệt. Theo đó, khu du lịch suối thần Cẩm Lương ước khoảng 400ha; Khu du lịch hồ Thung Bằng 50 ha. Các điểm du lịch gắn với công trình, di tích, danh thắng được xếp hạng: Động Cửa Hà, Chùa Chặng, Chùa Màu, Chùa Vọng... Bên cạnh đó, còn có điểm du lịch nông nghiệp hữu cơ tại các xã Cẩm Tú, Cẩm Bình, Cẩm Ngọc, Cẩm Tân, Cẩm Vân.
Với không gian phát triển thương mại định hướng đến năm 2030, đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại thị trấn Phong Sơn; đến năm 2045 phát triển thêm 3 trung tâm thương mại tại khu vực đô thị. Các khu thương mại hiện tại được bố trí thuận tiện về giao thông.
Đến năm 2045, toàn huyện Cẩm Thủy sẽ có 3 đô thị: Thị trấn Phong Sơn (đô thị loại IV), dân số khoảng 30.000 người; đô thị Cẩm Tân (loại V), dân số khoảng 18.000 người (sáp nhập thêm xã Cẩm Vân); đô thị Cẩm Lương (loại V), dân số khoảng 15.000 người.
Hoài Thanh
Theo KT&ĐU