Từ việc theo nhóm bạn vào rừng bắt ong vò vẽ lấy nhộng để ăn hoặc mang đi bán, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Toàn (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã tìm cách đưa ong vò vẽ về nuôi. Với ý tưởng táo bạo, Toàn kiếm được gần cả trăm triệu đồng mà không tốn chi phí chăm sóc.
inh ra ở vùng nhiều đồi núi, từ nhỏ, anh Nguyễn Thanh Toàn (SN 1989, thôn Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cùng với đám bạn đồng trang lứa thường vào rừng săn bắt ong vò vẽ.
Nhận thấy nhu cầu của mọi người thích các sản phẩm từ ong vò vẽ như nhộng ong có thể làm thành món ăn rất bỗ dưỡng, ong thợ cũng được người ta dùng để ngâm rượu… thay vì đi lấy tổ ong vò vẽ lấy nhộng ăn hoặc bán như những người khác, anh Toàn tìm cách lấy cả tổ về nuôi, nghĩ cách kiếm tiền từ loài ong hung dữ này.
Giữa năm 2016, anh Toàn lấy được 10 tổ ong vò vẽ, đưa về đặt cố định ở các cây trong vườn nhà. Để nuôi được loại ong này, anh Toàn đã phải tìm hiểu các tập tính của nó để biết cách chăm sóc cũng như bảo vệ tổ.
“Ai cũng nghĩ đây là loài ong hung dữ, tuy nhiên, nếu như không chọc phá tới tổ thì chúng sẽ không tấn công ai cả. Mình luôn phải dặn dò các con, hàng xóm không được lại gần hay trêu chọc tổ ong”, anh Toàn chia sẻ.
Trong 10 tổ ong ban đầu, có 7 tổ phát triển tốt. Ít tháng sau, các tổ ong vò vẽ bắt đầu cho thu hoạch. Mỗi tổ, anh Toàn bán được 500 nghìn đồng. Nhận thấy nhu cầu về ong vò vẽ khá lớn, nam thanh niên bắt đầu nghĩ tới việc sẽ nhân giống các tổ ong ra để kiếm thêm thu nhập.
Theo anh Toàn thì để nuôi các loại vật khác cẩn phải đầu tư nhiều như chuồng trại, thức ăn, cách chăm sóc,… tuy nhiên, đối với ong vò vẽ thì điều cốt lõi nhất phải giữ được con ong chúa. Khi ong chúa đã ổn định trong tổ rồi thì các con ong thợ cũng sẽ không đi đâu hết.
“Mình nuôi tới khi tổ ong lớn đủ kích cỡ, mình sẽ đưa ong chúa cùng khoảng 10 con ong thợ sang tổ mới để khai thác tổ ong cũ. Bằng phương pháp đơn giản đó, sau 3 năm, tôi đã nhân ra được 80 tổ ong lớn nhỏ. Trong số đó, tôi đã bán 70 tổ ong, thu về số tiền hơn 80 triệu đồng, hiện giữ 10 tổ ong để tiếp tục nhân ra các tổ mới”, anh Nguyễn Thanh Toàn cho biết.
Về vấn đề “đầu ra” cho sản phẩm, anh Toàn cho biết: “Chỉ cần mình có ong bán là thương lái sẽ mua hết, nhiều khi không đủ hàng bán cho họ. Họ mua ong có thể lấy nhộng xào nấu để ăn, hoặc ong thợ để ngâm rượu, tùy sở thích của mỗi người”, thanh niên 8x cho hay.
Ong vò vẽ hợp với miền đồi núi, phát triển nhanh vào mùa hè, nhất là thời gian từ tháng 3 tới tháng 8. Trong khoảng thời gian này, mỗi tổ ong “tử thần” cho thu hoạch khoảng 2 lần.
Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sắp tới, anh Toàn định nhân giống số ong của mình lên 160 tổ. Việc phát triển ổ ong đối với Toàn là không khó, tuy nhiên vì đây là loài ong hung dữ, vườn nhà lại chật hẹp… nên gây nguy hiểm cho gia đình và hàng xóm, điều này đang chính là nỗi băn khoăn trăn trở của anh khi đưa loại ong này về nuôi.
Đánh giá về mô hình nuôi ong vò vẽ của anh Toàn, ông Đoàn Trọng Phương - Chủ tịch Hội nông dân xã Kỳ Hợp cho hay: “Đây là việc làm tự phát và mới xuất hiện vài năm trở lại đây. Dù mô hình này có mang lại thu nhập cho các hộ dân, tuy nhiên, chính quyền địa phương không khuyến khích nuôi ong vò vẽ vì chúng gây nguy hiểm cho mọi người xung quanh. Do đó, để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người nuôi và những người xung quanh thì việc nuôi ong vò vẽ phải xa khu dân cư”.
Diễm Phước
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng