Sự kiện hot
13 năm trước

Thấy gì từ thị trường Tết vừa qua?

Sức mua trên thị trường không cao như mọi năm và mặt bằng giá đã sẵn ở mức cao, nên giá nhiều loại hàng hóa trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012 đã không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết.

Sức mua trên thị trường không cao như mọi năm và mặt bằng giá đã sẵn ở mức cao, nên giá nhiều loại hàng hóa trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012 đã không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết.

Không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với các năm trước - Ảnh: Reuters.

Nhưng so với Tết năm trước, giá nhiều loại hàng hóa vẫn cao hơn từ 10-20%, nhất là một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả, hoa tươi trong những ngày sát Tết đã tăng khoảng 20-50% so với ngày thường.

Tại thị trường Hà Nội, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, đa dạng đã đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân từ thực phẩm, hoa cây cảnh đến hàng gia dụng, văn hóa phẩm...

Theo Sở Công Thương Hà Nội, giá hàng hóa tăng nhẹ trong ngày 23 Tết đặc biệt là thịt gà, trái cây. Từ sau ngày 24-đến 26 Tết, giá các mặt hàng không có biến động lớn so với trước đó, một số mặt rau củ, trái cây, thịt gà, giảm nhẹ so với ngày 23 Tết.

Từ 27-29 Tết, nhu cầu đối với các loại thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt lợn, thịt bò, hải sản, rau xanh, trái cây tăng mạnh, giá các mặt hàng thịt tăng khoảng 5.000-10.000 đồng/kg so với những ngày trước đó; giá rau xanh tăng 20-50%, trái cây tăng 10-20%, nhưng nguồn cung hàng hóa vẫn rất đa dạng và lượng hàng dồi dào.

Tại Tp.HCM, từ 23-26 Tết, sức mua trên thị trường bắt đầu gia tăng. Tại một số chợ khu vực xa siêu thị và hệ thống phân phối của Chương trình bình ổn thị trường, trong một số thời điểm, khi sức mua tăng cao, giá có tăng lên nhưng nhìn chung ở mức hợp lý, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến.

Báo cáo nhanh của Sở Công Thương Tp.HCM cho biết, sau ngày 23 Tết, lượng thịt gia súc, gia cầm về hai chợ đầu mối giảm 4,6% so với ngày trước đó do nhu cầu giảm sau đó tăng dần vào những ngày sau, giá giảm đối với các mặt hàng thịt lợn pha lọc, gà, tăng nhẹ đối với thịt đùi rọ, thịt bò, hải sản.

Với mặt hàng gạo, do nguồn cung dồi dào nên giá không tăng và đang có xu hướng giảm so với hồi đầu tháng, giá các mặt hàng dầu ăn, đường, trứng gia cầm ổn định. Giá cả một số các mặt hàng rau củ dao động tùy theo cung cầu của thị trường.

Tại chợ đầu mối, sức mua giảm, các mặt hàng rau củ quả giảm từ 1.000-3.000  đồng/kg so với ngày 23 Tết. Tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, lượng trái cây, rau củ nhiều nhưng do nguồn cung từ các đầu mối bán buôn giảm nên giá đã tăng nhẹ...

Xét trên bình diện cả nước, các mặt hàng bánh mứt kẹo sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, chủ yếu là của các hãng sản xuất uy tín như bánh kẹo Hải Hà, Kinh Đô, Hữu Nghị, Habeco, Sabeco... Giá hàng hóa của các hãng này so với cùng kỳ Tết năm trước đã tăng khoảng 15-25% tùy loại nhưng mức tăng chủ yếu được điều chỉnh từ trong năm do các chi phí đầu vào sản xuất tăng.

Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như đỗ xanh, lạc, măng, miến, hạt dưa, hạt bí, bóng bì... giá đã bắt đầu tăng từ trước Tết một tháng, mức tăng khoảng 10-15% so với dịp Tết năm ngoái sau đó ổn định trong dịp cận Tết. Các loại hoa, cây cảnh như đào, lan, ly, hồng, lay ơn... cũng tăng khoảng 10-15% so với Tết năm trước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú đánh giá, không khí mua bán trên thị trường Tết năm nay kém sôi động hơn so với các năm trước, một phần là do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới thu nhập, chi tiêu và sức mua của người dân, một phần do xu hướng mua sắm Tết muộn hơn và tập trung vào những ngày sát Tết.

Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1/2012 vẫn đạt 191.061 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 12/2011, tăng 22% so với tháng 1/2011, cho thấy sức mua tăng cao hơn vào dịp Tết và tập trung vào nhóm thương nghiệp (tăng 3,54%) và các nhóm dịch vụ, du lịch (lần lượt tăng 2,79% và 2,64%).

Hồng Thoan
Theo VnEconomy

Từ khóa: