George Edwards, một thuyền trưởng người Scotland từng dành hàng chục năm tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness, mới đây tuyên bố đã có trong tay bằng chứng hình ảnh về con thủy quái này.
George Edwards, một thuyền trưởng người Scotland từng dành hàng chục năm tìm kiếm quái vật hồ Loch Ness, mới đây tuyên bố đã có trong tay bằng chứng hình ảnh về con thủy quái này.
Ngày 2/11/20011, từ mạn tàu của mình, ông Edwards đã chụp được một bức ảnh dường như cho thấy có một phần trồi lên trên mặt nước.
Trang Daily Mail dẫn lời “thợ săn” quái vật hồ Loch Ness này kể: “Nó di chuyển rất chậm trên mặt hồ hướng về phía lâu đài Urquhart và nó có màu xám tối. Lúc đó (vật thể) ở cách tàu của tôi tương đối xa, khoảng nửa dặm (tương đương 800m) nên rất khó để nói chính xác thứ gì dưới nước”.
Bức ảnh chụp "quái vật" Loch Ness do ông Edwards chụp. Ảnh: Daily Mail
Ông Edwards đã quan sát vật thể lạ trong 5 – 10 phút cho tới khi nó từ từ chìm xuống và không nổi lên mặt nước nữa. Vị thuyền trưởng “mê” quái vật Loch Ness kể, ông đã không vội công bố bức ảnh “bằng chứng” vì phải chờ tới khi các chuyên gia kiểm định xong.
Ông Edwards tuyên bố trên tờ Daily Mail rằng, bức ảnh “đã được một nhóm các chuyên gia về quái vật của quân đội Mỹ xác thực một cách độc lập”. Tuy nhiên, theo trang Live Science, trong thực tế, quân đội Mỹ không có bất kỳ nhóm “chuyên gia về quái vật” nào từng được phái đi điều tra về các sinh vật khổng lồ, bí hiểm trên khắp thế giới.
Ngoài ra, tuyên bố “bức ảnh đã được xác thực” của ông Edwards chỉ hàm nghĩa bức ảnh là “đồ thực”, không phải bị làm giả bằng công nghệ, chứ không khẳng định thứ được chụp trong bức ảnh là gì.
Hơn thế nữa, mô tả của ông Edwards về cuộc chạm trán với “quái vật” đã làm dấy lên nhiều nghi vấn. Chẳng hạn như, nếu ông đã quan sát vật thể lạ trong 5 – 10 phút, tại sao chỉ có một bức ảnh duy nhất về nó? Khoảng thời gian đó, dù ngắn ngủi, cũng đủ để chụp được hàng chục, thậm chí hàng trăm bức ảnh. Và mặc dù vật thể lạ dường như to lớn, không có cách nào xác định kích thước của nó vì chúng ta không biết khoảng cách chính xác tới vật thể (dù ông Edwards nói là khoảng nửa dặm), cũng như không có thứ gì gần đó có thể làm thước đo đánh giá. Dựa vào khoảng cách với ống kính camera, vật thể có thể dài 1,5 – 15m.
Nhiều người hoài nghi cũng đưa ra giả thuyết về động cơ công bố bằng chứng về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness: du lịch. Họ lý giải rằng, hồ Loch Ness là một điểm du lịch hút khách ở vùng cao nguyên Scotland và ông Edwards kiếm sống bằng nghề hướng dẫn viên du lịch cho các du khách tò mò kéo đến với hy vọng sẽ nhìn thấy con quái vật nổi tiếng. Chưa có ai nói ông Edwards giả mạo ảnh nhưng có thể hình khối lạ nổi trên mặt hồ Loch Ness là cá hoặc khúc gỗ trôi nổi.
Quái vật hồ Loch Ness lần đầu tiên thu hút sự chú ý của dư luận thế giới vào những năm 1930 sau khi một bức ảnh chụp phần đầu và cổ như rắn được công bố. Bức ảnh do một bác sĩ phẫu thuật đến từ London có tên Kenneth Wilson chụp đã được ca tụng là bằng chứng tốt nhất về con thủy quái Loch Ness cho tới khi “tác giả” thú nhận đó là một trò chơi khăm vài thập kỷ sau đó.
Người ta đã tiến hành nhiều cuộc tìm kiếm ở hồ Loch Ness trong suốt 70 năm qua bằng cách huy động mọi thứ, từ tàu ngầm loại nhỏ tới các thợ lặn và camera gắn cho cá heo. Năm 2003, một nhóm nhà nghiên cứu do hãng thông tấn BBC tài trợ đã tiến hành một cuộc tìm kiếm lớn nhất và toàn diện nhất từ trước tới nay ở hồ Loch Ness. Họ gần như đã lục tung mọi ngóc ngách của hồ bằng cách sử dụng 600 tia định vị vật thể dưới nước bằng sóng siêu âm, nhưng không phát hiện thấy bất kỳ sinh vật lạ to lớn nào.
Tuấn Anh
Theo Vietnamnet