Với chiều rộng chưa đầy 6 m, nhà cửa san sát, cộng thêm chợ dân sinh hoạt động ngay đầu ngõ, phố Triều Khúc nổi danh xưa nay về sự chật chội và nạn tắc đường, nay còn phải "cõng" trên mình mấy trăm căn hộ cao cấp thuộc Dự án Diamond Blue (số 69) và tổ hợp liền kề - cao tầng Pandora (số 53) và sắp tới sẽ có thêm 1 dự án nữa.
Ngày 4/7/2017, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2.000 tại khu đất số 44, phố Triều Khúc, thuộc ô quy hoạch ký hiệu E2/ODK3 và E2/NT1 (do Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Hòa Bình đang quản lý, sử dụng) tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân.
Diện tích khu đất lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 6.127,72 m2, trong đó 6.096,92 m2 diện tích đất do Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Hòa Bình đang quản lý và 30,8 m2 đất lưu không, bể nước ngầm.
Mục tiêu chính của việc điều chỉnh quy hoạch là nhằm di dời cơ sở sản xuất không còn phù hợp ra khỏi khu vực nội thành, góp phần cải tạo môi trường. Đồng thời, thực hiện khai thác sử dụng đất, đầu tư xây dựng khu hỗn hợp nhà ở, văn phòng, thương mại, nhà trẻ, cây xanh… đồng bộ, khang trang, hiện đại, phù hợp với nhu cầu phát triển đô thị.
Ngoài ra, điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất trên cơ sở bổ sung các tiện ích công cộng, dịch vụ thương mại, văn phòng phục vụ dân cư dự án và khu vực; hoàn thiện không gian kiến trúc cảnh quan, hài hòa với công trình lân cận trong khu vực.
Cảnh tắc đường thường xuyên diễn ra trên phố Triều Khúc
Theo nội dung văn bản của UBND TP. Hà Nội, Thành phố chấp thuận cho Công ty Hòa Bình quản lý và lập dự án đầu tư xây dựng đồng bộ, quy mô gồm tổng diện tích đất nằm trong phạm vi mở đường là 1.054,82 m2, tổng diện tích đất nghiên cứu thực hiện dự án khoảng 5.072,9 m2.
Tuy nhiên, Công ty ô tô Hòa Bình chỉ là chủ đầu tư trên danh nghĩa, danh tính thực sự của chủ đầu tư dự án này thực tế là Công ty cổ phần Xây lắp điện I (PCC1), chủ đầu tư của nhiều dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội, trong đó có dự án Mỹ Đình Plaza và Mỹ Đình Plaza 2.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, PCC1 nhắm tới lô đất trên từ cuối năm 2015, khi Vinamotor tiến hành thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Hòa Bình. Tháng 9/2016, PCC1 đã mua lại hơn 1.100.470 cổ phần của Ô tô Hòa Bình (tương đương 93,16% vốn điều lệ) với giá 69.083 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị 76 tỷ đồng.
Sau đó, PCC1 tiếp thương thảo và mua số cổ phần còn lại, nâng tổng lượng cổ phần nắm giữ tại Công ty Ô tô Hòa Bình lên trên hơn 98%, qua đó trực tiếp nắm giữ quyền định đoạt dự án số 44 Triều Khúc.
Phố nhỏ Triều Khúc gánh trên vai nhiều dự án bất động sản lớn
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra vào tháng 4/2017, ban lãnh đạo Công ty Ô tô Hòa Bình đã trình và thông qua phương án triển khai dự án này với tên gọi PCC1 Thanh Xuân.
Dự án có chức năng chính là chung cư, văn phòng làm việc, thư
ơng mại dịch vụ, bao gồm 2 khối nhà là khối nhà ở, thương mại vơi 2 đơn nguyên cao 27 tầng, 3 tầng hầm và khối nhà phụ trợ (nhà trẻ) cao 3 tầng. Tổng số căn hộ dự án gồm 480 căn, diện tích 55 - 81 m2. Dự kiến, dự án bắt đầu khởi công trong quý III/2017 và hoàn thành, bàn giao nhà từ quý III/2019.
Với dự án này, PCC1 đưa ra ước tính doanh thu khoảng 870,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 144,98 tỷ đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là phương án dự tính, còn thực tế bán hàng tại dự án này không đơn giản do nạn tắc đường.
Theo quy hoạch, phố Triều Khúc sẽ được mở rộng trong tương lai, nhưng thời gian cụ thể chưa rõ ràng. Trong khi đó, với cư dân hiện hữu, cùng sinh viên của Trường đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, dân số tại Chung cư Blue Diamond (cao 17 tầng) và khu đô thị Pandora, áp lực hạ tầng đặt nặng lên con phố nhỏ và cả khu vực này đang rơi vào tình trạng báo động. Nếu có thêm Chung cư PCC1 Thanh Xuân, thì áp lực sẽ còn ghê gớm hơn.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới lựa chọn của khách hàng khi lựa chọn về sinh sống tại PCC1 Thanh Xuân nói riêng và các dự án trong khu Triều Khúc nói chung. Bởi lẽ, không chỉ lo ngại về tắc đường, vấn đề quan trọng khác với những dự án chung cư nằm sâu trong ngõ nhỏ, theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là sự thiếu đảm bảo an toàn cho các cư dân tại đây khi xảy ra các sự cố như hỏa hoạn. Khi đó, xe cứu hỏa, xe cứu thương... sẽ khó tiếp cận các tòa nhà.
Việt Dương
Theo Đầu tư Bất động sản