Văn phòng chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Thái Bình và Hà Nam về việc cho phép thí điểm cơ chế tích tụ đất đai tạo 2 tỉnh này.
Thủ tướng đồng ý cho thí điểm cơ chế tích tụ đất đai tại 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam. Ảnh minh họa: Báo Kinh tế nông thôn.
Mục đích của đề án nhằm tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung.
Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định đề án. Sau đó, cơ quan này phải trình Chính phủ đề án để báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, trình Bộ Chính trị cho ý kiến.
Trước đó, Hà Nam đã thực hiện tích tụ ruộng đất tại huyện Lý Nhân và thành phố Phủ Lý cho doanh nghiệp thuê đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời hạn thuê đất lên tới 20 năm. 300 hộ dân của xã Nhân Khang đã nhất trí cho Công ty cổ phần An Phú Hưng và doanh nghiệp Nhật Bản thuê hơn 34 ha đất bãi ven sông Châu để triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao. Việc tích tụ ruộng đất được thực hiện theo nguyên tắc: đảm bảo quyền được Nhà nước giao đất lâu dài của người dân (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do hộ dân giữ và quản lý).
Theo Bộ Nông nghiệp, hiện cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,46 ha, trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á. Việc phân mảnh nhỏ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và năng suất lao động do cản trở cơ giới hóa, lãng phí thời gian lao động và đất bờ bao, tăng chi phí trung gian, giảm năng lực chống chọi với rủi ro...
Khánh Hà
Theo KTTD, Vietnambiz