Trung tâm Mua sắm tập trung (MSTT) thuốc quốc gia thuộc Bộ Y tế vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu cung cấp vật tư y tế (VTYT) giai đoạn 2019 - 2020 đối với 2 gói thầu đầu tiên cho khu vực miền Bắc, Bắc Trung Bộ (Gói thầu ĐTTT.VTYT.01.2019) và khu vực miền Nam, Nam Trung Bộ (Gói thầu ĐTTT.VTYT.02.2019). Trong đó, một số loại VTYT không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu. Đây là lần đầu tiên MSTT VTYT được thí điểm đấu thầu.
Tổng giá trúng thầu tại Gói thầu ĐTTT.VTYT.01.2019 và Gói thầu ĐTTT.VTYT.02.2019 lần lượt là hơn 354,266 tỷ đồng và hơn 188,052 tỷ đồng. Tính chung cả hai gói thầu là 542,318 tỷ đồng. Số lượng nhà thầu trúng thầu là 23 nhà thầu, trong đó Gói thầu ĐTTT.VTYT.01.2019 có 9 nhà thầu, Gói thầu ĐTTT.VTYT.02.2019 có 14 nhà thầu.
Tại Gói thầu ĐTTT.VTYT.01.2019, Công ty TNHH Thanh Phương có giá trị trúng thầu lớn nhất là 82,793 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty CP Trang thiết bị y tế Đức Tín với giá trị trúng thầu là 61,947 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Phúc Tín với giá trị trúng thầu là 49 tỷ đồng; Liên danh Công ty TNHH Xuân Vy - VNT với giá trị trúng thầu là 43,341 tỷ đồng...
Tại Gói thầu ĐTTT.VTYT.02.2019, Công ty TNHH Thương mại Tâm Hợp có giá trị trúng thầu lớn nhất là 60,086 tỷ đồng. Tiếp đến là Công ty TNHH Xuân Vy với giá trị trúng thầu là 41,218 tỷ đồng; Công ty CP Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát với giá trị trúng thầu là 21,997 tỷ đồng.
Trong số các nhà thầu trúng thầu, có 3 nhà thầu trúng 2 gói thầu, như: Công ty CP Trang thiết bị y tế Đức Tín trúng thầu 75,713 tỷ đồng; Công ty CP Dược phẩm trung ương CODUPHA trúng thầu 36,22 tỷ đồng...
Trong số các VTYT trúng thầu, VTYT có giá đắt nhất là stent phủ thuốc Sirolimus có khung bằng kim loại, giá từ 25,75 triệu đồng/cái đến 38,239 triệu đồng/cái. Xếp thứ hai là bóng nong động mạch vành từ 5,2 triệu đồng đến 7,9 triệu đồng/cái. Thứ ba là thủy tinh thể nhân tạo, từ 2,3 triệu đồng/cái đến 2,9 triệu đồng/cái...
Bộ Y tế chủ trương thực hiện đấu thầu tập trung ở cấp quốc gia với một số vật tư y tế để giảm giá và kiểm soát tình trạng chênh lệch giá trúng thầu cung ứng vào các bệnh viện với cùng một sản phẩm.
Theo tìm hiểu, việc thí điểm đấu thầu MSTT đã bị chậm so với kế hoạch. Giữa năm 2018, Bộ Y tế phê duyệt Đề án thí điểm MSTT một số VTYT đối với các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế giai đoạn 2019 - 2020. Theo kế hoạch, việc tổng hợp nhu cầu mua sắm của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ hoàn thành trước ngày 10/9/2018; kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt trước ngày 20/9/2018; tổ chức lựa chọn nhà thầu hoàn thành trước ngày 20/11/2018. Dự kiến, tháng 12/2018 xem xét việc mở rộng danh mục mua sắm cấp bộ và đề xuất mở rộng cấp quốc gia để báo cáo Chính phủ.
Mặc dù vậy, đến tháng 8/2019, tức là gần 1 năm sau, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới được phê duyệt với giá dự toán là hơn 1.023 tỷ đồng, chia làm 2 gói thầu trên.
Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) của cả 2 gói thầu là từ ngày 8 - 28/10/2019. Trong quá trình phát hành HSMT, ngày 16/10/2019, Chủ đầu tư đã sửa đổi HSMT, chủ yếu là chia tách các khu vực giữa hai gói thầu. Theo Trung tâm MSTT thuốc quốc gia, việc chia tách này không làm ảnh hưởng nhiều đến các gói thầu, nên không gia hạn thời gian phát hành HSMT. Đến ngày 9/12/2019, danh sách nhà thầu và VTYT đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được Chủ đầu tư phê duyệt để đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính...
Theo nhận xét của một chuyên gia về bảo hiểm xã hội, MSTT mặt hàng VTYT là một việc rất khó, có nhiều chủng loại, mẫu mã, xuất xứ... Do đó, sau khi có kết quả thí điểm, cần có sự đánh giá đầy đủ để xem xét mở rộng phạm vi đấu thầu tập trung cấp quốc gia đối với mặt hàng này. Đây là vấn đề được dư luận xã hội và bản thân người bệnh quan tâm với kỳ vọng giảm bớt chi phí khám chữa bệnh.
Lê Xuân
Theo Báo Đấu thầu