Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Thị trường bất động sản bán lẻ được dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới

Thị trường bất động sản văn phòng, bán lẻ sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Bất động sản bán lẻ sôi động
Thị trường bất động sản bán lẻ được dự báo sẽ sôi động trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Theo ghi nhận của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc theo giá hiện hành ước đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 50,5%. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 11 tháng năm 2023 ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,8%).

Quan sát của Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội cho thấy, thị trường Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các thương hiệu quốc tế, từ thời trang nhanh đến phân khúc bán lẻ xa xỉ và cao cấp.

Tính đến năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, nguồn cung văn phòng cho thuê, mặt bằng thương mại từ các dự án mới khá hạn chế, chủ yếu vẫn đến từ phần diện tích cho thuê của các tòa nhà hỗn hợp. Trong đó, nhu cầu thuê văn phòng, mặt bằng thương mại và công suất cho thuê đều có dấu hiệu suy giảm. Giá cho thuê văn phòng và mặt bằng thương mại bình quân toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm nhẹ khoảng 4 - 5%.

Ngoài những yếu tố liên quan đến tác động của đại dịch Covid-19, một báo cáo nghiên cứu thị trường của Savills Việt Nam cho rằng, nguyên nhân khiến giá thuê của bất động sản mặt bằng thương mại bán lẻ 10 tháng năm 2023 tại Việt Nam có sự biến động mạnh nhất trong 10 năm qua là do sự cạnh tranh khốc liệt từ thương mại điện tử. Nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm,... kinh doanh thua lỗ, dẫn đến tình trạng nhiều khu phố thương mại sầm uất của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh liên tục đang rơi vào cảnh ế ẩm, vắng vẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt từ thương mại điện tử, còn xảy ra sự cạnh tranh trong chính các sản phẩm của mặt bằng thương mại bán lẻ. Khi đó, để tồn tại, các chủ đầu tư buộc phải thay đổi để cho ra đời những sản phẩm phù hợp với xu thế. 

VIRES khẳng định: “Thị trường bất động sản văn phòng, bán lẻ sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tăng cường ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Các phương thức bán hàng trực tuyến hiện đại, linh hoạt, hiệu quả sẽ tạo điểm nhấn cho thị trường bán lẻ. Ngoài ra, thị trường văn phòng kết hợp (vừa làm việc vừa thư giãn, giải trí) sẽ ngày càng phổ biến nhằm tối ưu chi phí và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”. 

Bất động sản bán lẻ tăng trưởng tốt, nhiều “ông lớn” mở rộng thị trường

VIRES cho rằng trong dài hạn, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn trong khu vực Châu Á và trên thế giới. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, dự kiến nguồn cung và nhu cầu của phân khúc văn phòng và trung tâm thương mại Việt Nam có thể hồi phục và đạt mức cao hơn năm 2019 từ 20-30%. Trong đó, tỷ lệ lấp đầy có thể lên đến 83-90%, thời gian cho thuê cũng kéo dài hơn giai đoạn trước. 

Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho Thuê thương mại, Savills Hà Nội cho biết, các đơn vị bán lẻ trong nước và nước ngoài đang có xu hướng chuyển vào các trung tâm thương mại (TTTM). Với lợi thế được phát triển bài bản hơn là thuê nhà phố nhỏ lẻ, các trung tâm thương mại đang làm ngày một tốt hơn bài toán xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích, hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ cho khách bán lẻ. Song song với đó, khu phố cổ vốn tập trung nhiều nhà phố và buôn bán nhỏ lẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm khách thuê lấp đầy trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức đáng kể là số lượng trung tâm thương mại (TTTM) tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các thương hiệu quốc tế. Do đó, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại mới trong tương lai sẽ là yếu tố quyết định, không chỉ tạo ra không gian cho các thương hiệu mới mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và đa dạng hóa trong thị trường bán lẻ. Thị trường Hà Nội, với tiềm năng chưa được khai thác hết, chắc chắn sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho sự mở rộng của các thương hiệu quốc tế trong thời gian tới.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: