Sự kiện hot
2 năm trước

Thị trường FTA và giải pháp xuất khẩu bền vững

Cùng với quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia vào nhiều FTA song phương và đa phương; trong đó, có các FTA thế hệ mới với đối tác là những khu vực, thị trường có quy mô lớn.

Cần chiến lược xuất khẩu

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2021 kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57,01 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU đạt 52,5 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 39,7 tỷ USD, tăng 23,5%.

Không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đang dần được đẩy mạnh sang các thị trường nhỏ hơn, thị trường ngách như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu. Đáng chú ý, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa và đạt tốc độ tăng ấn tượng như: máy móc - thiết bị đạt 43%, giày dép đạt 54%, dệt may đạt 44%. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản khác cũng tăng ở mức rất cao: cà phê đạt 43,4%, thủy sản 31,6%, rau quả 23,5%, gạo 12,2%…

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu vào các nước trong khối CPTPP đều tăng trưởng hai con số so với năm 2021 như Nhật Bản tăng 33%, Canada 67%, Úc 53%, Malaysia 34%, Mexico 59%; đặc biệt đã mở được thị trường Peru với giá trị gần 12 triệu đô.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế để phát triển các dòng sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra; trong đó, tôm xuất khẩu tăng 51% và nhanh chóng phủ sóng các thị trường như Australia với tốc độ tăng trưởng gần 60%; Canada tăng 56%... Đối với sản phẩm cá tra cũng có sự tăng trưởng rất ấn tượng tại Mexico với mức tăng trưởng 70%, đưa quốc gia này trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.

Từ thực tiễn và yêu cầu mới đặt ra từ các thị trường xuất khẩu, DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt, điều chỉnh kế hoạch sản xuất và kinh doanh bài bản để kịp thời thích nghi với các yêu cầu, quy định mới của thị trường; tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất, cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa. Theo đó, đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường và đảm bảo các điều kiện cho người lao động là nhóm giải pháp cần thiết.

Liên quan đến phát triển xuất khẩu bền vững, vừa qua Bộ Công thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo chiến lược này, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: