Sự kiện hot
11 năm trước

Thị trường mũ báo hiểm: Mũ “rởm” quay trở lại

Dantin - Sau một thời gian tạm lắng vì bị kiểm soát chặt chẽ, thị trường mũ bảo hiểm (MBH) “rởm” đang hoạt động trở lại một cách công khai và ngày càng rầm rộ.

Dantin - Sau một thời gian tạm lắng vì bị kiểm soát chặt chẽ, thị trường mũ bảo hiểm (MBH) “rởm” đang hoạt động trở lại một cách công khai và ngày càng rầm rộ.


Đi trên đường hầu hết người tham gia giao thông đều sử dụng mũ rởm.

Đặc biệt là sau khi có thông tin ngừng xử phạt người đội MBH giả, kém chất lượng đến nay trên thị trường lại xuất hiện rất nhiều loại MBH khác nhau, thật có, giả có với mức giá giao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng đều mua được, làm cho thị trường MBH trở nên hỗn độn khó kiểm soát.

Đội một lần rồi bỏ

Theo khảo sát của phóng viên Đời sống & Tiêu dùng thời gian gần đây các tuyến đường như Phạm Hùng, Âu Cơ, Hồ Tùng Mậu (Hà Nội)… nhiều điểm bán MBH di động sau một thời gian vắng bóng giờ lại hoạt động trở lại. Những điểm này bán MBH với mức giá chỉ giao động từ 25.000đ-30.000đ, điều kỳ lạ là quán nào cũng đông nghịt người mua. Để cạnh tranh với mũ “rởm” đang tung hoành, các cơ sở sản xuất mũ đạt chuẩn cũng rầm rộ tung ra thị trường đủ các loại mũ của tất cả các hãng có uy tín như Honda, Yamaha, Vespa, ... với giá nhỉnh hơn từ 50 – 80.000đồng/chiếc nhưng chỉ có logo in trên mũ chứ không hề dán tem nhãn CS đạt chuẩn khiến người tiêu dùng tù mù trong việc lựa chọn.



MBH “rởm” được bày bán tràn lan trên vỉa hè.

Chủ một cửa hàng bán MBH lớn trên đường Phạm Hùng cho biết: “Ở đây bọn chị bán hàng chuẩn chất lượng cũng có, hàng chưa đạt chuẩn cũng có, tùy vào nhu cầu của khách hàng mua loại mũ gì. Mức giá bao nhiêu tiền thì cửa hàng đều đáp ứng được ngay miễn là có nhu cầu. Chứ giờ bảo bọn chị bán mỗi mũ đạt chuẩn cả tháng không ai mua thì tiền thuê mặt bằng đã đủ chết rồi chứ đừng có nói đến chuyện lãi với lỗ”

“Chúng tôi cũng không quan tâm đến chất lượng MBH ra sao, còn người mua chỉ cần mua được giá rẻ, vẫn là MBH mà vẫn đối phó được các cơ quan kiểm tra, kiểm soát trên đường là đủ”, vị chủ quán này nói.

Tương tự, trên đường Nguyễn Xiển, (Q.Thanh Xuân) một loạt các cửa hàng MBH cũng bày bán tràn đường. Những quán này còn “linh động” giảm giá tới mức 30.000 đồng/2 chiếc. Nếu mua nhiều còn giảm giá xuống có 10.000 đồng/chiếc. “Đa số người mua là để tránh việc bị CSGT bắt ở những chốt tuần tra. Đội một lần rồi bỏ thì cần gì đến chất lượng”, một chủ điểm bán MBH nói.

Mũ đạt chuẩn “nhường ngôi”


MBH đạt chuẩn “nhường ngôi” cho MBH “rởm”.

Cách đây chưa đầy một năm trở về trước, việc các ban nghành chức năng ra quân rầm rộ khuyến khích người dân dùng MBH đạt chuẩn khiến hàng ngàn người đã đổ xô đi mua, đổi mũ “rởm” lấy mũ đạt chuẩn, nhưng bẵng đi một thời gian nhiều người mua mũ đạt chuẩn về lại cất vào tủ đi mua mũ giá rẻ để đội.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Linh một người dân ở đường Minh Khai, Từ Liêm (Hà Nội) cho biết: “Tôi cũng mua mũ đạt chuẩn rồi đấy chứ nhưng đội mũ đạt chuẩn thì to, nặng và vướng hơn so với mũ 2-30.000 đồng/ chiếc. Thấy các cơ quan chức năng lại không bắt và yêu cầu nên tôi cất mũ kia đội mũ này đấy chứ”.

Còn bạn Nguyễn Thị Minh đang học tại một trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật cho biết: “Đợt phát động dùng MBH đạt chuẩn tớ đã đi đổi được một chiếc mũ nhưng được một thời gian thấy mọi người không đội nữa nên tớ mới mua mũ này 30.000đồng. Thứ nhất là nó nhẹ và đẹp hơn, thứ hai là tớ hay buộc tóc đuôi chồn, mũ này đằng sau có cái cho tóc ra rất tiện lợi không bị rối nên tớ mua thôi”

Nắm bắt được thị hiếu của người dân nên mũ “rởm” không đạt chuẩn lại ra nhiều mẫu mã mới, đa dạng về màu sắc và chủng loại. Trên dọc các con đường ngõ phố, quầy MBH giá rẻ mọc lên như “nấm sau mưa”, nơi nào cũng đông nghẹt khách, ngược lại với điều đó những quầy mũ đạt chuẩn lúc nào cũng trong tình trạng đìu hiu. Anh Phạm Văn Sáng một người bán mũ đạt chuẩn trên đường Phạm Văn Đồng cho biết: “Đợt các cơ quan chức năng để kiểm tra, chấn chỉnh và phát động dùng MBH đạt chuẩn về chất lượng, cửa hàng chúng tôi lấy về mấy nghìn chiếc nhưng chỉ bán được một thời gian, bây giờ có ai ngó tới đâu có khi cả tuần mới bán được có một hai chiếc, người tiêu dùng họ toàn mua mũ giá rẻ ở các vỉa hè thôi à”.

Tình trạng tương tự cũng được PV Đời sống & Tiêu dùng tại TP. HCM ghi nhận. Một loạt các tuyến đường đặc biệt các tuyến đường vành đai phía Đông, vành đai 4… các điểm bán MBH kém chất lượng cũng ồ ạt mở ra trong tình trạng khó kiểm soát.

Sẽ công khai danh tính và phạt nặng

Mới đây, tại hội thảo “Mũ bảo hiểm (MBH) an toàn cho người tiêu dùng” do Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, Công ty Vina CHG tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng sau khi bỏ quy định xử phạt người đội MBH kém chất lượng thì MBH dỏm lại tràn lan.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng, Chi cục QLTT TP HCM, cho biết: Từ tháng 3 đến tháng 8/2013, QLTT TP HCM đã kiểm tra và xử lý 284 vụ, tịch thu 12.516 MBH hoàn chỉnh dỏm, 3.793 MBH bán thành phẩm, trên 39.000 phụ liệu các loại và 1.511 kg nguyên phụ liệu... “Kiểm tra cho thấy thủ đoạn của các đối tượng sản xuất MBH dỏm ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Điều đáng nói là ngay cả các cơ sở sản xuất có đăng ký và công bố hợp quy cũng sản xuất MBH giả, kém chất lượng và không công bố hợp quy. Thủ đoạn của họ là chỉ công bố hợp quy một vài mẫu sản phẩm, sau đó sử dụng tem hợp quy của sản phẩm này dán lên các sản phẩm khác chưa được công bố hợp quy và đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Nguyễn Văn Bách nói.

Trong khi đó, ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục QLTT Hà Nội cũng khẳng định: “Sau khi có thông tin ngừng xử phạt người đội MBH giả, kém chất lượng thì thị trường MBH lại trở nên lộn xộn và khó kiểm soát. Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thu giữ trên 30.000 MBH giả, kém chất lượng, nhưng con số này không thấm vào đâu so với số lượng MBH giả được bày bán tràn lan trên nhiều tuyến phố”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn và hợp quy Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, những cơ sở vi phạm nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt nặng.

“Tổng cục hiện kiểm tra hoạt động chứng nhận hợp quy MBH của 5 tổ chức chứng nhận được chỉ định. Nếu phát hiện có sai phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý thích hợp và công bố công khai trong thời gian tới. Ngoài ra, tổng cục cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức chứng nhận phải tăng cường công tác giám sát sau chứng nhận (theo quy định tần suất giám sát là sáu tháng/lần) và phải thực hiện lấy mẫu MBH trên thị trường để thử nghiệm nhằm đánh giá tính ổn định về chất lượng của MBH. Nếu chất lượng không đạt, sẽ xem xét đình chỉ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy đã cấp. Nếu doanh nghiệp không khắc phục, sẽ xem xét hủy bỏ hiệu lực của giấy chứng nhận hợp quy đã cấp. Tính đến nay đã có 4 giấy chứng nhận hợp quy MBH bị đình chỉ và 11 giấy chứng nhận hợp quy bị hủy bỏ sau khi chúng tôi đánh giá kiểm tra, kiểm soát”, ông Linh nói.

Hồ Sỹ

Từ khóa: