Sự kiện hot
12 năm trước

Thị trường Nga và Ucraina: Cơ hội xuất khẩu mới cho doanh nghiệp Việt

Dantin - Sáng ngày 20/6/2013 tại khách sạn Hòa Bình, Hà Nôi, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo “Thị trường Nga và Ucraina- cơ hội xuất khẩu mới”, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội xuất khẩu sang hai thị trường lớn và đông dân này.

Dantin - Sáng ngày 20/6/2013 tại khách sạn Hòa Bình, Hà Nôi, Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu – Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã tổ chức hội thảo “Thị trường Nga và Ucraina- cơ hội xuất khẩu mới”, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội xuất khẩu sang hai thị trường lớn và đông dân này.


Cà phê, một mặt hàng xuất khẩu quan trọng của VN sang Nga.

Thị trường tiềm năng

Có mặt tại hội thảo, Phó Cục trưởng cục Xúc tiến Thương mại Lê Hoàng Oanh nói: “Liên bang Nga là một đất nước rộng lớn với thị trường quy mô hơn 130 triệu dân có nhu cầu lớn và đa dạng về hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp VN là tương đối lớn đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản”.

Theo ông La Văn Châu, nguyên Tùy viên Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, từ năm 2009 đến 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đã tăng gần 4 lần, đi kèm với sự chuyển dịch trong cơ cấu xuất khẩu từ nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản... sang điện thoại và linh kiện điện thoại.

Điểm lại danh mục thực phẩm và đồ uống có triển vọng thâm nhập sâu vào thị trường Nga, ông Lã Văn Châu đưa 5 mặt hàng chủ yếu: Bên cạnh chè và cà phê là hai mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam đã được người dân Nga đón nhận, ông Châu nhấn mạnh hơn đến nhóm thị trường rau củ quả cũng như thị trường thịt và thị trường thủy hải sản.

Mỗi năm Nga phải nhập khẩu khối lượng rau, củ, quả tươi, đông lạnh và đồ hộp lớn (73,5% nhu cầu tiêu dùng). Tuy nhiên Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang Nga chủ yếu là mặt hàng đồ hộp chế biến. Bên cạnh đó, từ năm 1990 Việt Nam đã mất vị trí trên thị trường Nga đối với các sản phẩm từ thịt. Năm 2012, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế chung, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt tại Nga chỉ dừng lại ở mức 2241 triệu tấn, tuy nhiên đây vẫn là một thị trường tiềm năng mà Việt Nam cần chú ý khai thác cũng như nối lại quan hệ thương mại. Đáng chú trọng hơn cả là thị trường thủy hải sản.

Nói về cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, ông Lã Văn Châu nhấn mạnh: Do văn hóa tiêu dùng ngày càng được chú trọng, nhất là xuất phát từ yếu tố sức khỏe, người dân Nga đang chuyển sang dùng cá và các sản phẩm cá trong thực đơn gia đình. Mỗi năm, Nga nhập khẩu trên 2 triệu tấn cá và các sản phẩm từ cá. Nước xuất khẩu nhiều cá sang Nga nhất là Na Uy (cá hồi) và Trung Quốc (cá mintai). Cá đông lạnh chiếm 70%, cá sống chiếm 22% tổng nhập khẩu. Mức tiêu thụ thủy sản bình quân theo đầu người là 20 kg/năm.

Trước năm 2009, trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Nga thì nhóm hàng nông, lâm, thủy hải sản chiếm tỷ lệ trên 50%. Tuy nhiên đến năm 2012, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20% do nhu cầu thấp và giá NK giảm.Ông Châu cũng nói thêm: Nga là một thị trường rất chú trọng đến vệ sinh an toàn thực phẩm nên việc xuất khẩu thủy, hải sản sang Nga phải được sự chấp nhận của cơ quan kiểm dịch động thực vật hai nước.

Ông Lã Văn Châu cũng đưa ra những định hướng để tiếp cận thị trường Nga. Theo đó, Nga là thị trường tiềm năng, đa dạng và ngày càng được cấu trúc lại. Xuất khẩu sang Nga có nhiều thuận lợi như Nga đã là thành viên của WTO nên hàng rào thuế quan sẽ dễ chịu hơn, nhất là đối với những nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Sản phẩm vào Nga có thể tự do lưu thông sang các nước Belarus và Kazakhstan vì Nga là thành viên của Liên minh thuế quan 3 nước Nga – Belarus và Kazakhstan. Việt Nam đang trong quá trình đàm phán về FTA với Liên minh hải quan Nga - Belarus – Kazakhstan.

Tuy nhiên xuất khẩu sang Nga cũng gặp phải những khó khăn như hàng rào phi quan thuế sẽ nghiêm ngặt hơn; tốn kém cho việc tiếp cận mạng lưới tiêu thụ, nhất là vào các chuỗi siêu thị lớn; cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước khác có cùng mặt hàng kinh doanh trên thị trường Nga. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, quảng bá thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng của Nga; trực tiếp tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành tại Matxcova vì Matxcova tập trung 57,7% lượng hàng nhập khẩu của cả nước, đóng góp 33% nguồn thu ngân sách quốc gia, mức thu nhập trung bình của người dân ở đây cao; cải thiện giá thành, chất lượng sản phẩm; tìm kiếm nhà nhập khẩu tin cậy; tiếp cận các trung tâm phân phối và mạng lưới tiêu thụ ở Nga. Một trong những thuận lợi lớn là cộng đồng người Việt ở Nga làm kinh doanh rất nhiều, do đó các doanh nghiệp cũng nên tìm cách liên kết với kênh phân phối này.

Cà phê: Mặt hàng quan trọng

Ông Chu Xuân Kiên, Phó Tổng Giám Đốc Tổng Công Ty Thương Mại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với thị trường Nga và Ucraina của riêng doanh nghiệp ông. Các sản phẩm chủ yếu mà Tổng Công ty Thương mại Hà Nội xuất khẩu sang Nga là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và nông sản với kim ngạch XNK trung bình đạt 4 triệu USD/năm. Ông Kiên nói: “Khách hàng Nga giao dịch mua bán cũng tuân theo thông lệ Quốc Tế, vì vậy không có những rào cản quá đặc biệt. Tuy nhiên người Nga chủ yếu tính thuế theo trọng lượng hàng hóa nên các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý quy cách đóng gói để giảm thiểu chi phí”. Ông Kiên kết thúc tham luận của mình tại Hội thảo bằng việc đưa ra những đặc điểm của thị trường Nga (các mặt hàng chính, số lượng khách, phương thức giao dịch, đàm phán…) với lời chúc các doanh nghiệp tìm được con đường xuất khẩu thành công tại thị trường tiềm năng này.

Khảo sát thị trường hàng thực phẩm và đồ uống của Nga, thấy còn rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Một ví dụ điển hình là thị trường cà phê. Cà phê là đồ uống không thể thiếu trong sinh hoạt thường ngày của người dân Nga. Theo thống kê năm 2012, bình quân mỗi người uống 2,02 tách cà phê/ngày. Còn theo đánh giá của các chuyên gia Nga thì đến năm 2014 sẽ có tới 2/3 số dân Nga dùng cà phê. Cũng trong năm 2012, Nga đã phải nhập khẩu 123 ngàn tấn cà phê các loại với trị giá 500 triệu USD, chiếm 94,75% thị phần cà phê của cả nước. Trong đó, Nga nhập khẩu cà phê chủ yếu từ 3 nước là Việt Nam, Brazil và Indonesia. Chỉ lượng cà phê nhập khẩu từ 3 nước này đã chiếm tới 75% thị phần cà phê nhập khẩu của Nga. Điều này cho thấy Liên bang Nga là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam trong xuất khẩu cà phê. Bên cạnh đó, chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng của các doanh nghiệp Việt vào thị trường này. Theo điều tra, có tới 98% dân số Nga uống chè. Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng không cho phép nên Nga phải nhập khẩu hầu như 100% chè cho tiêu dùng trong nước.

Còn về phía thị trường Ucraina, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Cầu Vồng, Ucraina cho biết: Ucraina là thị trường mới nên Chương trình xúc tiến thương mại thâm nhập thị trường Ucraina đang được triển khai tại Trung tâm thương mại Cầu Vồng, Kiev, Ucraina mà trọng tâm bước đầu là đưa một số doanh nghiệp có kinh nghiệm về xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản, thuỷ sản truyền thống của Việt Nam thâm nhập thị trường và lập quan hệ đối tác lâu dài tại Ucraina, làm tiền đề cho các bước mở rộng thị trường tiêu thụ trong những năm tiếp theo. Cụ thể, theo đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại Cầu Vồng, Hội chợ triển lãm thương mại Việt Nam – Ucraina dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9 năm 2013, các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường này có thể đăng ký tham dự. 

Được biết, từ ngày 16-19/6/2013, tại thủ đô Moscow, Liên bang Nga đã diễn ra triển lãm thực phẩm đồ uống quốc tế năm 2013, trong đó đoàn doanh nghiệp VN trưng bày tại 16 gian hàng. Bên cạnh đó, dự kiến cuối tháng 9 đầu tháng 10/2013, Cục Xúc tiến Thương mại sẽ tổ chức 30 doanh nghiệp tham gia Đoàn Xúc tiến thương mại và đầu tư tại Nga và Ucraina trong các lĩnh vực thực phẩm, dệt may, da giầy, vật liệu xây dựng, điện tử, công nghiệp chế biến... Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp là có bạn hàng tại hai thị trường trên, có kế hoạch nâng cao kim ngạch xuất khẩu; doanh nghiệp chưa có bạn hàng nhưng có kế hoạch và tiềm năng thâm nhập 2 thị trường hoặc ngành hàng mới.

Lệ Giang - Văn Minh

Từ khóa: