Dù đối mặt với áp lực, song ngành phân bón được cho là sẽ sở hữu nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi”. Đặc biệt, giá phân bón trong nước dự kiến sẽ tăng theo đà biến động của thị trường thế giới.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Argus, tại thị trường Trung Quốc, giá ure nội địa ổn định và sản lượng xuất khẩu rất ít. Diễn biến này phù hợp với nội dung mới đây, Trung Quốc đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu ure.
Tại Brazil, Alexfert có một đợt bán mới với giá 430 USD/tấn FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán, bao gồm toàn bộ chi phí vận chuyển lô hàng ra cảng, thuế xuất khẩu và thuế làm thủ tục xuất khẩu) cho 6.000 tấn ure hạt đục cho lô hàng tháng 10. Trong khi đó, các thương nhân đang tiếp tục bán ure hạt đục với mức giá 400 - 410 USD/tấn FOB tại châu Âu.
Tính riêng phiên giao dịch ngày 8/9, giá urê thế giới đạt 452 USD/tấn, tăng 50% so với cuối tháng 6, tương đương mức giá đầu năm 2023 (nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ cũng như mức bình quân năm 2022).
Trước biến động của giá phân bón thế giới, thời gian gần đây các doanh nghiệp trong nước liên tục thông báo tăng giá bán. Cụ thể, giữa tháng 9, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá Urê bán tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển tại miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng tăng giá Urê tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên mức 11.000 đồng/kg, tăng hơn 1.100 đồng/kg so với tháng 8. Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo tăng giá bán lên mức hơn 10.800 đồng/kg. Với mức giá này, phân Urê tại các nhà máy hiện đã tăng lên từ 30- 35% chỉ trong khoảng 2 tháng trở lại đây.
Theo ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, việc tăng giá phân bón hiện nay sẽ có ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân. Bởi theo theo thời vụ và loại cây trồng, phân bón thường chiếm tới 40-60% giá thành sản xuất. Tuy nhiên, nếu như giá nông sản cũng đạt mức tăng, mức độ ảnh hưởng sẽ không đáng kể.
Năm 2022, trong nước sản xuất được 6,5-7 triệu tấn phân bón trên tổng nhu cầu 11 triệu tấn; số lượng còn lại chúng ta nhập khẩu, chủ yếu là Kali, NPK,… Thị trường nhập khẩu phân bón của nước ta gồm: Trung Quốc, Nga, Trung Đông, Indonesia,… Trong đó, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc chiếm tới gần 40%.
Theo thống kê, ngành phân bón Việt Nam đã có giai đoạn “tăng nóng” từ quý IV/2021 đến hết 6 tháng năm 2022. Giai đoạn này, giá phân bón trên toàn thế giới tăng vọt, kéo theo giá trong nước. Các doanh nghiệp phân bón cũng ghi nhận lợi nhuận cao trong giai đoạn này.
Sau khi tăng cao liên tiếp, giá phân bón trong nước có xu hướng đảo chiều từ những tháng cuối năm 2022 cho tới gần đây. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), giá phân bón giảm đã tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh ngành trong 6 tháng năm 2023.
Tuy nhiên, với những diễn biến gần đây của thị trường phân bón thế giới và trong nước, VDSC nhận định, thị trường phân bón sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia cũng cho rằng, cao điểm mùa vụ chính là vụ Đông-Xuân sắp tới, vì thường theo quy luật, sản lượng sản xuất ure cuối năm thường cao hơn, khi đó nhu cầu tiêu thụ phân bón cũng sẽ cao hơn, đẩy giá thành phân bón tiếp tục tăng.
Các chuyên gia cũng dự báo, theo quy luật, nhu cầu phân bón sẽ tăng mạnh trong quý IV, thời điểm vụ Đông Xuân diễn ra tại miền Bắc và Thu Đông diễn ra ở miền Nam. Hiện, giá nhiều loại nông sản như gạo, cà phê… neo cao kéo theo việc nông dân mở rộng sản xuất. Giá phân bón trong nước có thể duy trì đà tăng trong quý 4 năm nay, song sẽ không tăng nóng như câu chuyện cách đây 2 năm trước.
Hoài Anh
Theo Kinh tế và Đồ uống