Thị trường phân phối, bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2011 đã tiếp nhận thêm 2 thương hiệu lớn nữa là Aeon (Nhật Bản) và Giant (Hồng Kông). Như vậy, chỉ còn thiếu Tesco (Anh) và Wal - Mart (Mỹ) là tại thị trường Việt Nam năm nay hội đủ các “anh tài” chuyên về lĩnh vực phân phối, bán lẻ.
Thị trường phân phối, bán lẻ tại Việt Nam trong năm 2011 đã tiếp nhận thêm 2 thương hiệu lớn nữa là Aeon (Nhật Bản) và Giant (Hồng Kông). Như vậy, chỉ còn thiếu Tesco (Anh) và Wal - Mart (Mỹ) là tại thị trường Việt Nam năm nay hội đủ các “anh tài” chuyên về lĩnh vực phân phối, bán lẻ.
Việt Nam nằm trong nhóm 4 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
“Cá lớn” quẫy đập
Lĩnh vực phân phối hàng hóa được chia thành 2 dạng: bán sỉ và bán lẻ. Song, tùy vào cơ cấu hàng hóa và quy mô, cũng như đối tượng khách hàng, mà 2 hình thái này có thể tồn tại dưới các tên gọi như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoặc trung tâm thương mại…
Mới đây, Tập đoàn bán lẻ Aeon đã quyết định đầu tư hơn 101 triệu USD vào thị trường Việt Nam. Trước mắt, Aeon sẽ xây dựng một trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị mang thương hiệu Jusco tại TP.HCM. Từ năm 2009, Việt Nam đã là thị trường mục tiêu đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được lãnh đạo Aeon hướng đến. Lý do được ông Nagahisa Oyama, Giám đốc điều hành (CEO) của Aeon đưa ra khi đó là, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành bán lẻ Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2008 bình quân đạt tới 20,6%/năm là rất ngoạn mục. Hơn nữa, cùng với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam nằm trong nhóm 4 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới.
Đi trước Aeon, nhưng đến tháng 12 năm ngoái, Dairy Farm (Hồng Kông) mới kết hợp với Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội mở siêu thị Giant đầu tiên tại Việt Nam (đặt tại Trung tâm Thương mại Crescent Mall, TP.HCM). Mới đây, ông Glyn Hughes, CEO Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Á Châu, chủ đầu tư siêu thị Giant cho biết, thương hiệu Welcome chỉ là bước thử nghiệm tại Việt Nam. “Chuỗi Giant sẽ tiếp tục được mở rộng”, ông Glyn Hughes nói.
Trước việc xuất hiện ngày càng nhiều của các “đại gia” trong lĩnh vực phân phối, liệu các chuỗi siêu thị truyền thống của Việt Nam có mất dần vị thế? Về e ngại này, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cho rằng, việc xuất hiện nhiều đối thủ trong cùng ngành là khó tránh khỏi, song điều này sẽ giúp thị trường nâng tính cạnh tranh.
Saigon Co.op vẫn đang nắm giữ lợi thế “sân nhà” trước các nhà bán lẻ ngoại về số lượng siêu thị mang thương hiệu Co.op Mart và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới. Cụ thể, sắp tới, Co.op Mart sẽ mở tiếp 2 siêu thị, nâng tổng số siêu thị trong toàn hệ thống Co.opMart lên con số 57. Dự kiến, số siêu thị mở mới trong năm 2012 cũng sẽ là 6.
Sự xuất hiện của các “đại gia” phân phối tại thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, song nếu so với các thị trường trong khu vực, thì đây chỉ mới là bước khởi đầu. Chẳng hạn, nếu xét trong phạm vi 4 thị trường như đã nêu (Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Việt Nam), thì 2 trong số 10 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới (xét theo doanh thu) là Wal - Mart và Tesco đều đã có mặt tại Ấn Độ. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đã hội đủ “anh hào”, gồm: Carrefour (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), Tesco và cả Wal - Mart. Còn nếu xét ở những thị trường gần hơn, như Thái Lan, thì Carrefour, Metro và Tesco cũng đang hoạt động.
Trên thực tế, Metro Cash & Carry và Tesco đều đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam. Trong đó, Metro Cash & Carry đã đánh dấu cột mốc 10 năm đầu tư vào Việt Nam thông qua trung tâm phân phối sỉ thứ 16 vừa mở tại TP. Nha Trang.
Ông Randy Guttery, Tổng giám đốc Metro Cash & Carry Việt Nam cho rằng, con số 16 trung tâm vẫn còn nhỏ so với quy mô dân số gần 90 triệu người của thị trường Việt Nam. Vì vậy, Metro sẽ tiếp tục chiến lược mở rộng.
Cửa hàng tiện lợi tràn ngập
Những diễn biến của thị trường phân phối trong năm qua cho thấy, không chỉ các trung tâm thương mại hay siêu thị, mà cả chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng hoạt động nhộn nhịp chẳng kém. Song, trong phân khúc này, hứa hẹn sẽ có cuộc cạnh tranh của những “ông lớn” đến từ Nhật Bản. Hiện MiniStop và FamilyMart, hai trong số 4 tên tuổi dẫn đầu về việc phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, 7-Eleven và Lawson được dự đoán cũng sẽ đến Việt Nam trong năm 2012.
Ông Hashimoto Yuji, Trưởng phòng Xây dựng và Phát triển cửa hàng Công ty TNHH FamilyMart Việt Nam, liên doanh giữa Tập đoàn Phú Thái (Việt Nam) với Tập đoàn Itochu và Công ty TNHH Family (đều của Nhật Bản) cho biết, hiện chuỗi FamilyMart đã đạt con số 16 cửa hàng, kể từ khi mở cửa hàng đầu tiên vào tháng 12/2009. Theo kế hoạch, Công ty sẽ mở thêm 27 cửa hàng trong năm 2012, thay vì 50 như dự kiến ban đầu.
Không chỉ FamilyMart, trong năm 2011, nhiều tên tuổi khác cũng đẩy mạnh sự hiện diện của mình tại thị trường Việt Nam. Điển hình như Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, điều hành chuỗi Shop&Go, đã phát triển chuỗi cửa hàng lên đến con số 68 (lớn nhất TP.HCM hiện nay). Được biết, Công ty này sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi thông qua hình thức nhượng quyền thương mại.
Trong khi đó, bà Amy Wu, CEO Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ, điều hành chuỗi Circle K Việt Nam cũng cho biết, họ sẽ nâng chuỗi cửa hàng tiện lợi của mình lên hơn 40 cửa hàng vào năm 2012 và tạo chuỗi 500 cửa hàng trong vòng 5 năm tới. Song, nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, cũng như việc tìm mặt bằng tốt (yếu tố quan trọng nhất quyết định đến việc thu hồi vốn của cửa hàng tiện lợi) không dễ dàng, nên đã tác động đến kế hoạch của Circle K.
Nhìn chung, thị trường phân phối của Việt Nam còn đang trong giai đoạn đầu, vẫn còn khá nhiều tên tuổi lớn khác chưa bung hết sức, bởi những “người khổng lồ” trong lĩnh vực phân phối trên thế giới luôn phát triển cùng lúc nhiều phân khúc, từ các đại siêu thị, siêu thị cho đến cửa hàng tiện lợi. Việc này đang dần xảy ra với Casino Group, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp, sở hữu chuỗi siêu thị BigC. Tháng 2/2011, Casino Group đã mở cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi cửa hàng tiện lợi mang tên “New Cho” tại TP.HCM.
Saigon Co.op, nhà bán lẻ dẫn đầu thị trường nội địa cũng không kém cạnh, khi tung ra mô hình Co.opFood. Trong khi Co.opMart nhắm vào người tiêu dùng đại trà, thì CoopFood lại tranh thủ “đánh” vào các khu dân cư. Tính đến thời điểm này, Co.opFood đã có 32 cửa hàng. “Cuộc chơi” trong ngành phân phối đang quy tụ nhiều đối thủ, do đó, để trụ vững trong thị trường ngày một cạnh tranh này, các doanh nghiệp buộc phải tìm hướng đi riêng, không thể mở một cách đại trà.
Minh chứng cho nhận định này, theo quan điểm cá nhân, ông Hashimoto Yuji cho biết, xét về cơ cấu hàng hóa và đối tượng khách hàng, FamilyMart và MiniStop là những đối thủ cạnh tranh, song FamilyMart đang nắm lợi thế của “người đến trước”. Trong khi đó, Circle K lại thuộc phân khúc khác mà đối tượng khách hàng mục tiêu là du khách, người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam có thu nhập cao, giới trẻ Việt Nam… Đó là lý do mà Circle K vẫn quyết định chọn TP.HCM và Vũng Tàu là thị trường chính cho việc mở rộng trong năm 2012.
Hàn Nguyên
Theo Dau tu