Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đang phải quay cuồng với các khoản chi tiêu tiết kiệm cho sinh hoạt hàng ngày thì việc dành tiền sắm đồ dùng học tập cho con trong năm học mới lại càng đau đầu.
Kinh tế khó khăn, nhiều gia đình đang phải quay cuồng với các khoản chi tiêu tiết kiệm cho sinh hoạt hàng ngày thì việc dành tiền sắm đồ dùng học tập cho con trong năm học mới lại càng đau đầu.
Lê Khánh Hoàng đang tìm mua sách cũ cho năm học mới. Ảnh: H.Nguyên
Người nghèo mua sách cũ
Sáng 15/8, tại Nhà sách Vì dân (số 844 đường Láng, Hà Nội), một số sinh viên, học sinh đang đánh vật giữa các kệ sách để tìm giáo trình, sách giáo khoa (SGK) cho năm học mới. Lê Khánh Hoàng, sinh viên năm thứ 2 (Trường ĐH Lao động xã hội) cho biết, em quê Thanh Hóa, mỗi tháng bố mẹ chỉ cho ít tiền chi tiêu nên sắm sửa đồ dùng học tập, tiền nhà, tiền ăn quả thật rất khó xoay sở. Giáo trình đại học đắt gấp nhiều lần SGK phổ thông, có quyển khoảng vài trăm nghìn đồng. Ở thư viện, sinh viên chỉ có một số giáo trình đơn thuần, rất ít sách tham khảo. Trong khi đó, giá sách tham khảo ngoài thị trường có giá “trên trời” nên Hoàng và nhiều bạn dành thời gian tìm mua sách cũ, vừa rẻ lại “độc”.
Ngoài giáo trình đại học, vài năm nay SGK cũ ở cấp phổ thông cũng rất đắt hàng. Theo chủ nhà sách Vì dân, gọi là SGK cũ nhưng gần như còn mới nguyên. Đặc biệt, cứ sách cũ về năm nào đều bán hết năm đó nên kiến thức trong sách không cũ. Giá mỗi bộ SGK cũ ở đây được giảm khoảng 40% so với giá thị trường nên rất nhiều người mua. Từ đầu mùa đến nay, cửa hàng đã bán được hàng tấn SGK cũ.
Tại nhà sách Xuân Thịnh (760 đường Láng, Hà Nội), một số phụ huynh cũng đang tìm sách cũ cho con. Ông Lê Hữu Việt (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, trong buổi sáng, bố con ông đã tìm mua được bộ SGK lớp 9 với giá chưa đến 100.000 đồng. Ngoài ra, con gái ông còn tìm được một số sách cũ dạng tài liệu tham khảo với giá chỉ bằng ½ so với sách mới. Ông Việt kể, vợ chồng ông ở Nam Định lên Hà Nội thuê nhà làm ăn. Hàng ngày ông chạy xe ôm còn vợ ông bán bánh mì, dưa cà và hàng tạp hóa các loại. Hiện cháu lớn đang học THCS. Hai đứa sau đang bé, còn lâu mới đi học nên vẫn thường mua sách cũ để dùng xong là bỏ kẻo phí.
Chủ nhà sách Xuân Thịnh cho biết, khoảng tầm các tháng 6-7, phụ huynh học sinh tìm mua SGK cũ rất đông. Phần lớn là người lao động nghèo hoặc một số sinh viên, học sinh muốn tìm mua sách tham khảo. Nhiều nhà sách vẫn đến đây mua buôn để về bán lại ở nông thôn hoặc khu vực ngoại thành. Nếu mua trên 20 bộ, giá SGK cũ chỉ còn khoảng 50% so với giá sách mới.
Một số cuốn có tăng giá
|
Đến thời điểm này, NXB Giáo dục đã phát hành trên 90 triệu bản SGK phục vụ năm học 2013 - 2014, đảm bảo ổn định thị trường, đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh trên cả nước. Ngoài ra, NXB Giáo dục còn cung ứng đầy đủ sản phẩm giáo dục khác như sách bổ trợ, sách tham khảo, bản đồ - tranh ảnh giáo khoa, đồ dùng học tập, thiết bị giáo dục, băng đĩa CD-ROM...
|
|
Theo lãnh đạo NXB Giáo dục, NXB đã triển khai 2 tháng phát hành sách giáo dục: Tháng phát hành sách phục vụ hè diễn ra từ 20/5 - 20/6/2013; Tháng phát hành sách phục vụ năm học mới, bắt đầu từ 20/7 và sẽ kết thúc vào 20/8/2013. Một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra là giữ ổn định giá SGK. Bảng giá SGK từ lớp 1 đến lớp 12 được yêu cầu niêm yết công khai và thống nhất tại các cửa hàng sách của NXB Giáo dục và các công ty sách - thiết bị trường học trên cả nước.
Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 15/8, nhiều nhà sách giáo dục vẫn đang treo biển “mua 5 tặng 1”… Nếu mua nhiều, giá SGK có thể được chiết khấu từ 10-12%. Mặc dù NXB Giáo dục cho rằng vẫn giữ nguyên giá nhưng một số nhân viên tại cửa hàng sách giáo dục trên đường Giảng Võ (Hà Nội) cho biết, giá một số cuốn rải rác trong các bộ SGK có tăng nhẹ. Đặc biệt, ở thị trường sách tham khảo, giá năm nay tiếp tục tăng hơn năm trước. Cũng theo lãnh đạo NXB Giáo dục, thị trường sách tham khảo hiện đang rất đa dạng và phức tạp. Có nhiều NXB trong nước đang tham gia xuất bản sách tham khảo dùng cho nhà trường, vì vậy một số sách tham khảo bị sai về kiến thức cơ bản vẫn được bán ngoài thị trường. Nhiều cuốn sách sao chép, lắp ghép nội dung không đảm bảo vẫn được phát hành. Để tránh mua phải sách có nội dung lắp ghép, phụ huynh học sinh cần mua sách tại các công ty sách và thiết bị trường học của các địa phương, cửa hàng của các công ty là hệ thống phát hành chính thức của NXB Giáo dục.
Hạnh Nguyên
theo GĐ&XH