Vài năm trở lại đây thị trường thức ăn nhanh (TĂN) Việt Nam tuy phát triển, nhưng các hoạt động: Xây dựng thương hiệu, quảng cáo tiếp thị, quản trị doanh nghiệp (DN) còn hạn chế...
Vài năm trở lại đây thị trường thức ăn nhanh (TĂN) Việt Nam tuy phát triển, nhưng các hoạt động: Xây dựng thương hiệu, quảng cáo tiếp thị, quản trị doanh nghiệp (DN) còn hạn chế...
Sự thâm nhập mạnh của các thương hiệu TĂN nước ngoài là thách thức nhưng cũng là động lực, thời cơ để DN nội phát triển. Ảnh: Tràng An
Châu Á là một thị trường tiềm năng với 30% người tiêu dùng sử dụng TĂN trong một tuần và bình quân một cửa hàng tại khu vực này đón 200 - 300 khách/ngày. Vào ngày lễ, chủ nhật, số khách có thể lên tới 400 - 1.000 khách trên diện tích kinh doanh khoảng 800 - 1.000m2.
Theo điều tra thị trường của Cty Neline, thì 86% người sử dụng TĂN Việt Nam ở độ tuổi 20 - 35. Hiện có rất nhiều DN ngoại kinh doanh với 134 cửa hàng KFC, 146 cửa hàng Lotteria, 34 cửa hàng Pizaa Hut, 30 cửa hàng Jollibee, 13 cửa hàng và Burger King, 11 cửa hàng Domino's... Tuy số lượng gia tăng nhưng so với hàng chục nghìn cửa hàng của các thương hiệu TĂN hàng đầu trên thế giới, thì số lượng hệ thống cửa hàng TĂN ở Việt Nam sẽ không dừng ở những con số hiện tại.
McDonalds đã khảo sát ở thị trường Việt Nam trong năm 2012 và dự định sẽ có hoạch phát triển hệ thống 100 cửa hàng trong 3 - 4 năm tới (bắt đầu từ năm 2014) với số tiền đầu tư khoảng 6 - 9 tỷ đồng/cửa hàng.
"Điều quan trọng là các DN nước ngoài đang tranh thủ tìm kiếm mạng lưới tốt để chiếm lĩnh thị phần TĂN ở Việt Nam. Họ sẵn sàng trả giá cao hơn 20% một địa điểm thuê để có thể đứng chân trên địa điểm đó, thay thế thương hiệu cũ trước đó. Đặc biệt là các địa điểm "vàng" tại các khu trung tâm thương mại lớn, siêu thị, nhà ga, sân bay, tàu điện ngầm... ", Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
|
Theo một số thống kê chưa đầy đủ thì doanh thu năm 2011 của thị trường TĂN tại Việt Nam đã đạt mức 800 tỷ đồng. Chủ yếu thị phần thuộc về các thương hiệu ngoại như: KFC (Mỹ), Lotteria (Hàn Quốc), Jollibee (Philippines)... chiếm khoảng 70 - 80% thị phần, còn lại là các thương hiệu Việt Nam như: Phở 24, bánh mỳ T4, K-Do (Công ty Kinh Đô - Sài Gòn)…
|
|
Theo dự báo của các chuyên gia, từ cuối năm 2013 - 2020, cuộc chiến trong chuỗi cửa hàng TĂN sẽ diễn ra quyết liệt giữa các DN trong nước và nước ngoài.
Về khách quan, các DN ngoại mạnh về vốn, công nghệ quản lý, kinh nghiệm phát triển chuỗi mang tính chất toàn cầu, các định chế tài chính, quy tắc chuẩn xác và sự phát triển chuỗi rất linh hoạt như nguyên tắc bù trừ lãi lỗ toàn cầu. Các chi phí dành cho quảng cáo, tiếp thị xây dựng thương hiệu rất lớn để phát triển cho một chiến lược bài bản và nhất quán. Đặc biệt, họ rất thích nghi với các nước sở tại khi thâm nhập như bổ sung suất cơm trong thực đơn ăn nhanh của KFC phù hợp với giá cả tiêu dùng, sở thích của người Việt.
Thêm nữa, DN ngoại có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, thu nhập hợp lý, trang trí bắt mắt, thống nhất, có sức hút cao và rất sạch sẽ, văn minh. Cộng thêm các hình ảnh mang tính chất đặc trưng, không giống ai, công thức chế biến bí mật tuyệt đối và nghiên cứu rất kĩ tâm lý từng đối tượng khách hàng từ bà nội trợ đến học sinh, thanh niên...
Trong khi đó, DN nội vốn nhỏ, chưa có kinh nghiệm mở chuỗi, chưa có chiến lược kinh doanh lâu dài, tính cấu kết kém bền vững phát triển chuỗi không ổn định về giá cả, chất lượng. Đặc biệt là khi nhượng quyền thương mại cho một đối tác khác. Nguy cơ của Việt Nam đó là một xã hội đối mặt với thực trạng béo phì, thừa chất ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng nếu sự thâm nhập của chuỗi TĂN phát triển quá mức.
Tuy nhiên, DN nội có thể tham gia phục vụ chuỗi của người nước ngoài như: Cung cấp bánh mỳ, gia vị, nguyên phụ liệu... học tập cách quản lý, tổ chức chuỗi, đào tạo nguồn nhân lực... để từng bước khắc phục những điểm hạn chế, phát triển và có thể cạnh tranh với DN ngoại.
"Về lâu dài, muốn phát triển chuỗi TĂN một cách bền vững, DN nội địa cần có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện để phát triển như: Chính sách đất đai, vốn, quy hoạch rõ ràng, minh bạch, chính sách thuế, tài chính... Đồng thời, kiểm soát một cách công bằng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Quan trọng nữa là phải đẩy mạnh sản xuất có năng suất cao, chất lượng bảo đảm cung cấp cho chuỗi TĂN Việt Nam. Đối với các DN cần khắc phục những điểm hạn chế như đã nêu để phát triển bền vững", Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đề xuất.
Tràng An
theo Thanh tra