Sự kiện hot
2 năm trước

Thích ứng an toàn, linh hoạt - “Chìa khóa” giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi

“Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, chính là quan điểm chỉ đạo thống nhất, kịp thời và sáng tạo. Theo đó, tại nhiều địa phương, các doanh nghiệp cũng bắt nhịp ngay trên tinh thần “sản xuất phải an toàn”, đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh, sẵn sàng thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất nhằm đảm bảo các đơn hàng mới, phục hồi sản xuất - Ảnh minh họa.

“Chìa khóa” giúp doanh nghiệp bắt nhịp phục hồi

Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức cố gắng để chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt và tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống đại dịch.

Chia sẻ trước báo chí, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch COVID-19, nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi biến chủng Delta xuất hiện, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng bất ngờ và bị ảnh hưởng tiêu cực.

“Đợt dịch thứ 4 bùng phát, chúng ta đã phản ứng cẩn trọng. Do tâm lý nên nhiều người dân, doanh nghiệp chọn “ngủ đông” hay tạm dừng các hoạt động... Tuy nhiên, Chính phủ đã chuyển hướng rất kịp thời từ chủ trương "Zero COVID-19" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Điều này đã thể hiện rất rõ ở Nghị quyết 128. Tôi nghĩ rằng thích ứng linh hoạt, sống chung với COVID-19 một cách chủ động, khoa học, cũng có thể hiểu là chiến thắng dịch bệnh”, TS. Tô Hoài Nam cho hay.

Theo đó, Nghị quyết 128 do Chính phủ vừa ban hành về Quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn dịch COVID-19" là tin vui, thống nhất quy định chống dịch trong bối cảnh mới cho toàn bộ các tỉnh, thành, kèm theo việc tạm dừng thực hiện Chỉ thị 15, 16 hay Quyết định 2686 vốn được các địa phương áp dụng khác nhau trong giai đoạn chống dịch trước, phần nào gây ra tình trạng cục bộ, chia cắt, gây khó cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp, Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới.

Với các tiêu chí cụ thể để phân loại 4 cấp độ dịch ở các tỉnh thành, Nghị quyết đã cho doanh nghiệp nắm được với cấp độ dịch nào thì doanh nghiệp thuộc ngành nào được hoạt động hay ngừng hoạt động và hoạt động hay ngừng hoạt động ở mức độ nào. Những quy định được thống nhất trên toàn quốc giúp tạo thuận lợi cho việc xác định và triển khai kế hoạch kinh doanh.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 ban hành quy định một số lĩnh vực được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ, trong đó có sản xuất, xây dựng, thi công công trình, hay vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Doanh nghiệp cho rằng điều này sẽ giúp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, đặc biệt với các ngành sản xuất có đơn hàng tăng cao vào cuối năm.

Ngoài ra, Nghị quyết 128 được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung cho cả nước, là: Số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần, số người đã tiêm, khả năng thu dung điều trị... Do đó, để Nghị quyết 128 phát huy hiệu quả tốt nhất, thì phải triển khai thực hiện trên nguyên tắc vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng nhấn mạnh trước diễn đàn báo chí rằng, Nghị quyết 128 đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó, để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nhưng tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể, nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, quá trình thực hiện Nghị quyết 128 có vướng mắc, khó khăn cần báo cáo kịp thời về các cơ quan của Trung ương, để có giải pháp tháo gỡ hợp lý. Các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Có thể khẳng định, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu kép đang trở nên có cơ hội dễ dàng thực hiện hiệu quả hơn.

 “May áo” thời sống chung với Covid-19

Triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021.

Tại Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp, sau gần 3 tháng giảm công suất để thực hiện công tác phòng, chống dịch thì hiện nay nhịp độ sản xuất đã dần trở lại. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết cũng như lực lượng thăm đồng với nông dân đã phục hồi hơn 70%. Công ty đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng hơn 3.000 tấn lúa giống vụ đông xuân 2021-2022 cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vụ thu đông 2021, Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp vẫn đảm bảo thực hiện 300ha liên kết với nông dân

Ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng vụ thu đông 2021, Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp vẫn đảm bảo thực hiện 300ha liên kết với nông dân - Ảnh: Báo Đồng Tháp.

Ông Nguyễn Văn Hồng – Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp cho biết: “3 tháng thực hiện giãn cách phòng, chống dịch là thời gian khó khăn nhất đối với đơn vị. Mặc dù không dừng hẳn hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, nhưng cũng như nhiều DN khác, hoạt động của đơn vị bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Số lượng đơn hàng bị giảm, khó khăn về lao động, thị trường, khiến doanh thu của công ty sụt giảm so với cùng kỳ khoảng 30%. Tuy nhiên, với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch bệnh vừa khắc phục khó khăn trong sản xuất kinh doanh”, công ty đã cố gắng vượt qua và sản xuất an toàn đến thời điểm này”.

Theo ông Hồng, đối với cộng đồng DN nói chung và Công ty Cổ phần giống cây trồng Đồng Tháp nói riêng, DN đã xác định được rằng trong điều kiện hiện nay không thể xác định câu chuyện dịch bệnh chấm hết hoàn toàn, mà DN phải thích ứng và có giải pháp an toàn để chống dịch hiệu quả. Chính vì vậy, dù các hoạt động, sản xuất kinh doanh của công ty dần hoạt động thuận lợi hơn nhưng để sản xuất an toàn trong điều kiện “bình thường mới” này, công ty thực hiện trên nguyên tắc sản xuất an toàn, thực hiện nghiêm việc kiểm soát “một cung đường hai điểm đến” đối với lao động gần nhà máy nhằm không để phát sinh dịch bệnh trong nhà máy.

Tại tỉnh Thái Nguyên, thời gian vừa qua, cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động xuất khẩu chè đang tạm thời đóng băng. Bên cạnh đó, thị trường trong nước cũng giảm mạnh do một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, không giống như các mặt hàng nông sản khác cần tiêu thụ trong thời gian ngắn thì sản phẩm chè có thể bảo quản vài tháng trong kho lạnh mà không bị ảnh hưởng đến chất lượng. Vì vậy, hiện bà con nông dân vẫn duy trì các biện pháp bảo đảm cho cây chè phát triển ổn định, đạt năng suất, chất lượng cao.

Người dân xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) khẩn trương thu hái chè chính vụ được sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên.

Người dân xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) khẩn trương thu hái chè chính vụ được sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên.

HTX chè Phúc Linh ở xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên) trước đây trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 7 tấn chè búp khô thì nay chỉ còn một nửa. Chị Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc HTX chia sẻ: Thời gian qua, giá phân bón tăng cao, trong khi giá chè lại giảm nên HTX đã phải tính toán để vừa hạ chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Cụ thể, HTX chè Phúc Linh đã đầu tư nuôi 6 con bò để cung cấp 1 tấn phân chuồng/tháng; đồng thời, mua thêm phân gà và chế phẩm sinh học để ủ thành phân hữu cơ bón chè. Qua hạch toán cho thấy, với 3ha chè, trung bình mỗi tháng, HTX giảm được 10 triệu đồng tiền phân bón. Ngoài ra, cây chè cũng xanh tốt, búp mập, ít sâu bệnh hơn và cũng an toàn cho người sản xuất vì không sử dụng phân hóa học. Cùng với đó, HTX chè Phúc Linh đầu tư máy sao chè bằng gas, máy vò chè bằng điện để chè không bị ám khói. Đặc biệt, HTX đầu tư máy đóng gói tự động cân định lượng, góp phần giảm chi phí về công lao động. 

Bên cạnh đó, nhiều HTX, doanh nghiệp đã vận động bà con sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng thương hiệu chè an toàn. Đối với những mẻ chè chưa xuất bán ngay được, nhiều đơn vị có giải pháp tiến hành sao khô kiệt, bọc trong 2 lớp nilon và bảo quản trong kho lạnh. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất sẽ bị “đội” lên. Tuy nhiên, vẫn tập trung làm tốt khâu bảo quản để đợi đến cuối năm, cung cấp cho các đơn hàng lớn vào dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng tiến hành đầu tư nâng cấp trang thiết bị, công nghệ chế biến chè hiện đại, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua hình thức bán hàng trực tuyến, trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như: facebook, zalo...  

Đối với sản phẩm chè chưa tiêu thụ được ngay, HTX chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) tiến hành sao khô kiệt và cho vào túi nilon để bảo quản trong kho lạnh.

Đối với sản phẩm chè chưa tiêu thụ được ngay, HTX chè Thịnh An, ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) tiến hành sao khô kiệt và cho vào túi nilon để bảo quản trong kho lạnh.

Có thể khẳng định, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh đã bắt nhịp ngay trên tinh thần “sản xuất phải an toàn”, đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh. Bên cạnh đó, cùng với sự đồng hành của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp đã dần cân bằng được sản xuất, vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi kinh tế trong tình hình mới.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: