Trong bối cảnh người dân nhiều nơi đang thiếu đất sản xuất thì tại Bắc Giang, tỉnh này đang làm đủ mọi cách để thu hồi hơn 100 ha đất nông lâm nghiệp của người dân để xây dựng siêu công viên nghĩa trang gần 1.300 tỷ đồng.
Không thể nói hết những bức xúc của người dân trong vùng dự án trước những quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang.
Quy hoạch chi tiết Dự án công viên nghĩa trang An Phúc Viên
Kể từ thời điểm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Linh ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Công viên nghĩa trang An Phúc Viên đầu năm 2017, người dân các xã Cương Sơn và xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) chẳng khác nào ngồi trên đống lửa. Hàng loạt nỗi lo mất đất, nỗi lo ô nhiễm môi trường, nỗi lo mất sinh kế bao trùm các thôn xóm bên bờ sông Lục Nam…
Nhân dân cực lực phản đối
Chủ tịch UBND xã Cương Sơn, ông Nguyễn Văn Sơn tiếp chúng tôi với tâm trạng khá chán nản. Dự án xây dựng siêu công viên nghĩa trang An Phúc Viên đang gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân địa phương. Băng rôn biểu ngữ, đơn thư và cả những mâu thuẫn với cán bộ đo đạc đang biến vùng quê vốn dĩ yên bình trở thành điểm nóng. Nguy cơ mất dân chủ đang hiện hữu bởi dự án sẽ lấy một diện tích lớn đất nông lâm nghiệp của xã.
Theo quy hoạch chi tiết của Công viên nghĩa trang An Phúc Viên, quy mô diện tích dự án sẽ lấy khoảng tầm 103,73 ha đất nông lâm nghiệp thuộc địa phận xã Cương Sơn, xã Nghĩa Phương của huyện Lục Nam. Phía Bắc giáp sông Lục Nam; phía Nam giáp Thôn Kỳ Sơn, ĐT 293; phía Đông giáp xóm mới Ninh Hải, xã Nghĩa Phương; phía Tây giáp thôn Lợi, thôn Tè, xã Cương Sơn. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần đầu tư An Phúc Viên. Địa chỉ ở đường Hùng Vương, TP Bắc Giang. Tổng vốn đầu tư lên đến gần 1.300 tỷ đồng.
Trong những văn bản, những tệp tài liệu dày cả gang tay đang nằm tại phòng Chủ tịch xã Cương Sơn, rất nhiều mỹ từ được chủ đầu tư vẽ ra nhằm thuyết phục nhân dân các xã nhượng đất. “Đây sẽ là một công viên nghĩa trang tâm linh, sinh thái đảm bảo tốt nhất về sự đồng bộ trong quy hoạch, thân thiện với môi trường”, trong một văn bản của chủ đầu tư khẳng định thế.
Cũng sau khi có quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư đã thành lập đoàn do ông Nguyễn Văn Linh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang dẫn đầu đi tham quan các mô hình ở những công viên nghĩa trang khác.
Tại công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên ở tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch Bắc Giang nhấn mạnh: “Yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư An Phúc Viên tập trung nghiên cứu, kế thừa, phát huy những điểm mạnh, tính ưu việt, nhất là yếu tố vệ sinh môi trường, cảnh quan của dự án Lạc Hồng Viên để sớm triển khai các nội dung, hạng mục của dự án Công viên nghĩa trang An Phúc Viên tại tỉnh Bắc Giang nhằm phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân”.
Viễn cảnh về một dự án hoành tráng, một siêu công viên nghĩa trang “thân thiện với môi trường” dường như càng đốc thúc chính quyền địa phương hoàn thiện thủ tục cho nhà đầu tư. Bằng chứng là chỉ trong vòng 5 ngày, từ 29/12/2016 khi ông Phạm Giang, Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang có Báo cáo số 356/BC-SXD trình UBND tỉnh về kết quả thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng công viên nghĩa trang An Phúc Viên, đến ngày 3/1/2017, ông Lại Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 02/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng công viên nghĩa trang An Phúc Viên tỷ lệ 1/500.
Duy chỉ có sự lo lắng, bức xúc, phản đối của người dân thì đang ngày một lên cao. Những tấm băng rôn “Nhân dân Lục Nam phản đối dự án công viên nghĩa trang An Phúc Viên” được treo ở nhiều đường làng ngõ xóm. Lãnh đạo các xã trong khu vực dự án đang “đứng giữa dòng” vì không biết nên ủng hộ hay phản đối.
Trụ sở UBND xã Cương Sơn ngày 9/10/2017. Tiếp chúng tôi, mặc cho lịch họp đã đến giờ nhưng rất nhiều lãnh đạo xã cố nén lại để giãi bày. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Sơn nói thẳng: Khổ dân thôi. Họ phản đối vì 3 lý do: Thứ nhất là mất đất, thứ hai là môi trường, thứ ba là sinh kế.
Chủ tịch xã Cương Sơn: Dân Cương Sơn phản đối 3 vấn đề của dự án
Ông Nguyễn Văn Quang – Chủ tịch Hội CCB xã Cương Sơn cũng khẳng định: Qua nắm bắt thông tin từ hội viên và nhân dân, không đồng tình thực hiện dự án vì có tác động môi trường. Nếu cấp trên vẫn quyết định cho triển khai sẽ có đơn kiến nghị.
Chúng tôi thử nhờ lãnh đạo địa phương làm cuộc khảo sát, tất cả họ đều khẳng định: Đa phần nhân dân Cương Sơn không đồng tình với dự án xây dựng công viên nghĩa trang trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Đức Kim – Chủ tịch MTTQ xã phân tích thêm: Địa điểm thực hiện dự án rất gần nơi dân cư sinh sống. Tác động môi trường không tránh khỏi, cần thực hiện dân chủ, họp bàn với nhân dân. Một số lãnh đạo xã thậm chí còn ví von: Họ nói công viên nghĩa trang là thiên đường của người chết, còn chúng tôi thấy người sống chẳng khác gì cạnh địa ngục.
Bước đường cùng
Theo quy hoạch chi tiết, dự án công viên nghĩa trang nằm trên thềm núi Niêng. Ngọn núi có địa thế khá bằng, tự bao đời là nguồn sống của người dân Cương Sơn. Họ trồng rừng, trồng ngô, canh tác hoa màu, trồng cây ăn quả… Cũng chính nhờ những mạch nước nước ngầm từ ngọn núi chảy ra sông Lục Nam mà trước tới giờ, người bản địa sử dụng nguồn nước sinh hoạt rất an toàn.
Nhưng bây giờ, khi có thông tin về dự án, ông Nguyễn Đức Kim – Chủ tịch MTTQ xã Cương Sơn hỏi tôi: Ai dám sử dụng nguồn nước ở các nhà máy khi mà ngay phía trên là công viên nghĩa trang? Chủ đầu tư nói với chúng tôi là nguồn nước từ công viên nghĩa trang thải ra có thể uống được. Nhưng dân không nghe. Muốn uống các ông múc về mà uống.
Ông Nguyễn Đức Kim: Chủ đầu tư nói nước từ dự án nghĩa trang uống được
Theo lãnh đạo xã Cương Sơn, cạnh sông Lục Nam, trên địa bàn xã có 3 nhà máy nước sạch đang hoạt động. Nếu siêu nghĩa trang được xây dựng ở núi Niêng đồng nghĩa với việc nghĩa trang này nằm ngay đầu nguồn sông và nằm cạnh các nhà máy nước sạch. Theo tìm hiểu nhà nước quy định, không được xây dựng nghĩa trang ở những nơi đầu nguồn nước, bởi nó gây ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống người dân. Tuy nhiên chính quyền và chủ đầu tư lại muốn đặt nghĩa trang ở một nơi vị trí đắc địa như vậy, lại càng khiến người dân bức xúc.
“Ba nhà máy nước này phục vụ cho hàng ngàn hộ dân, đã triển khai hết lượt phục vụ dân tại thị trấn Đồi Ngô, thị trấn Lục Nam và xã Cương Sơn. Nếu đặt nghĩa trang đầu nguồn nước, thử hỏi ai dám sử dụng nước sinh hoạt từ những nhà máy này nữa”, cán bộ xã Cương Sơn đồng loạt nói...
Lo lắng nhất vẫn là những hộ dân sẽ phải mất đất để thực hiện dự án. Anh Nguyễn Văn Hiên (43 tuổi, thôn Vải – xã Cương Sơn) nói: “Nhà tôi trồng hơn 200 gốc vải từ những năm 1997, hàng năm nhờ vườn vải gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. Như năm nay mặc dù vải mất mùa, nhưng gia đình tôi đến thời điểm này cũng thu về khoảng hơn 100 triệu từ vườn vải, giúp kinh tế gia đình ổn định. Nếu như xây dựng công viên nghĩa trang ở núi Niêng, gia đình tôi mất đi nguồn thu nhập chính và chưa biết phải làm gì sau khi mất vườn vải hơn 20 tuổi khi tôi và vợ đã có tuổi không công ty hay xí nghiệp nào nhận vào làm. Gia đình tôi lo sợ rơi vào tình trạng thất nghiệp khi còn hai con nhỏ đang đi học”...
HOÀNG ANH
Theo Nông nghiệp Việt Nam