Sự kiện hot
12 năm trước

Thiệt hại với vàng phi SJC

Sau khi có thông tin SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia, các loại vàng miếng khác đang mất giá mạnh, khiến người giữ vàng phi SJC thiệt hại nặng

Sau khi có thông tin SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia, các loại vàng miếng khác đang mất giá mạnh, khiến người giữ vàng phi SJC thiệt hại nặng.

So với một số loại vàng miếng khác, giá bán vàng SJC trên thị trường hiện nay thường cao hơn 600.000 đồng - 700.000 đồng/lượng. Ảnh: Hồng Thúy

Liên tiếp các thông tin về quản lý thị trường vàng được đưa ra thời gian qua khiến người đang giữ vàng lo lắng (nhất là các loại vàng miếng không phải SJC). Không ít người đã bán tháo vàng nên bị lỗ nặng.

Thị trường “chạy” trước…

Ngay sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước chính thức trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý kinh doanh vàng sau nhiều lần sửa đổi, các thương hiệu vàng miếng phi SJC đã phản ứng khi nội dung dự thảo ghi rõ muốn sản xuất vàng miếng, các doanh nghiệp (DN) phải có vốn điều lệ trên 500 tỉ đồng và chiếm thị phần từ 25% trong 3 năm liên tiếp... Chiếu theo quy định này, chỉ duy nhất Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đủ tiêu chuẩn bởi vàng của thương hiệu này chiếm hơn 90% thị trường cả nước.

Từ thông tin này, thị trường vàng miếng trở nên “loạn giá” cả tháng nay dù lực mua bán kém sôi động, không có sốt giá. Vàng Rồng Thăng Long của Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu hạ giá từ 200.000 đồng đến cả gần triệu đồng/lượng so với vàng SJC. Kế đến, vàng AAA của Tổng Công ty Vàng Agribank (AJC) cũng phải hạ giá và thường xuyên thấp hơn vàng SJC từ 500.000 - 700.000 đồng/lượng...

Tình trạng bán tháo vàng phi SJC đã khiến nhiều người lỗ cả gần triệu đồng mỗi lượng. Trước tình hình này, NH Nhà nước đã phải lên tiếng khẳng định vàng miếng của các thương hiệu ngoài SJC sẽ tiếp tục được lưu thông dù nghị định có ban hành. Mới đây, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố SJC sẽ trở thành thương hiệu vàng quốc gia nhưng lộ trình chưa được công bố.

Tuy nhiên, tình trạng chênh lệch giá quá lớn giữa vàng SJC và vàng miếng các thương hiệu khác vẫn tiếp tục xảy ra. Trong khi đó, một số cửa hàng vàng cũng không mặn mà với vàng phi SJC. Ngay SJC cũng vậy. Đại diện SJC cho biết các thương hiệu khác muốn bán lại vàng của mình phải để SJC nấu vàng ra, kiểm tra tỉ trọng, chất lượng… rồi mới mua lại. Đồng thời, muốn thuê SJC gia công vàng phải có hóa đơn nhập khẩu vàng, giấy tờ hợp lệ…

Cần bảo vệ quyền lợi người có vàng phi SJC

“Vàng nào cũng là vàng 9999!” - chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh nhận xét. Vì vậy, chuyện các thương hiệu bán vàng miếng với giá chênh nhau cả triệu đồng mỗi lượng là phi lý và chỉ người dân bị thiệt. Chẳng hạn, đến cuối tuần qua, giá vàng của Bảo Tín Minh Châu và AJC vẫn thấp hơn vàng SJC khoảng 700.000 đồng/lượng. Nếu người dân bán vàng của Bảo Tín Minh Châu với giá 44,3 triệu đồng/lượng rồi mua vàng SJC với giá 45,23 triệu đồng/lượng (theo giá niêm yết của Bảo Tín Minh Châu ngày 3-12) sẽ bị lỗ đến 930.000 đồng/lượng. Phó tổng giám đốc một thương hiệu vàng tại TPHCM cho rằng nhiều thông tin về quản lý thị trường vàng liên tục được phát đi, có thông tin chính thức và cả phi chính thức khiến nhiều người lo lắng. Lúc này, ai phản ứng thái quá với các thông tin này bằng việc bán tháo vàng phi SJC như vừa qua sẽ bị thiệt hại nặng. 

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho rằng vừa qua, dù NH Nhà nước khoanh vùng một số đơn vị bán vàng bình ổn nhưng người dân rất khó mua. Ngay PNJ, với hàng chục cửa hàng trên cả nước cũng không có nguồn vàng SJC để bán. Còn các NH chỉ bán cho người mua vàng rồi gửi lại chính NH họ. Điều này dẫn đến sự chênh lệch giá vàng SJC niêm yết với giá bên ngoài. Theo bà Cao Thị Ngọc Dung: NH Nhà nước cần sớm có quy định rõ ràng việc phân phối vàng miếng của SJC, tránh tình trạng mỗi nơi một giá. Nếu đã công nhận người dân có quyền giữ, mua bán vàng miếng thì phải tạo điều kiện thông thoáng để người dân mua vàng một cách thuận lợi. Khi đó mới tạo tâm lý an tâm cho mọi người.

“Nếu nghị định được ban hành, NH Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người dân đang giữ vàng miếng các thương hiệu khác. Khi đó, Nhà nước cần có chính sách quy đổi vàng miếng phi SJC sang thương hiệu này với mức phí chuyển đổi hợp lý” - TS Vũ Đình Ánh nhận xét.

DN thiệt hại vì ngừng sản xuất vàng miếng

Lãnh đạo một công ty vàng cho biết các DN đã ngưng sản xuất vàng phi SJC sau khi có văn bản chỉ đạo của NH Nhà nước từ khoảng một tháng nay. Theo đó, các DN phi SJC cũng không được cấp quota nhập khẩu và cấp hạn ngạch sản xuất vàng miếng. Điều này khiến một số DN đã đầu tư hàng chục tỉ đồng vào máy móc thiết bị, xây dựng thương hiệu, hình ảnh nhiều năm qua… bị thiệt hại.

Thái Phương
Theo Nguoi lao dong


Từ khóa: